Truyện ngắn

Đợi mùa nước lên

Cập nhật, 06:35, Thứ Tư, 01/02/2017 (GMT+7)

Cái xóm này nghĩ cũng ngộ kỳ đời, bình thường thì xúm lại nói chuyện tào lao, buồn buồn kiếm chuyện chọc ghẹo người khác chơi, nhất là thời sự giác sáng của mấy bà ở không buồn miệng. Cha Hai thầy bói tòm tem với cô Sáu ngoài vàm. 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Chuyện ông Ba Rổ hôm qua chui vô mùng thím Tư chồng chết, sáng ra cả xóm đồn rần. Ờ hớ, thằng Sáu Mẹt bị vợ bỏ tưởng xong đời trai, ai dè nó đi biệt mấy tháng trời, khi vác cái mặt mốc về thì lại bợ đâu được con vợ mơn mởn xanh tươi...

Cái đài phát thanh của mấy bà, mấy chị xóm Chùa rảnh hơi lắm mà cũng lợi hại lắm, bươi móc toàn chuyện “ông này, bà nọ”, mà kể nghe y như mấy bả chứng kiến, mấy bả “bắt tận tay, day tận mặt” vậy.

Nhưng cái đoạn mọi người tụm đầu lại xù xì, rồi cười ầm lên nó mới hấp dẫn, y như rằng thêm mắm, giặm muối, cho nó thêm phần lâm ly bi đát, cho nó tục tĩu chút mới gọi là đã đời tiếu lâm.

Nhưng được cái, họ sống thiệt vô tư như con nước ròng rồi nước lớn; như tới “tháng bảy thì nước nhảy khỏi bờ”, tháng chín lau sậy trổ cờ cho gió chướng lao rao thổi ngược sau hè thì cánh đồng như nghiêng, chắt nước về sông...

À há, họ sống nào biết bon chen lừa lọc, mà hỏi coi ở cái hóc bà tó này nghèo đều như nhau có gì đâu mà hơn thua lừa lọc mấy cha. À há, đó là một thời cũng hơi xa xa rồi, nó khác với bây giờ lắm rồi.

Mà giờ, dòm tới ngó lui mấy ông, mấy bà cũng đã già cong queo móp thùng thiếc, riết rồi hổng còn mấy người ở đó nói chuyện tào lao, cà rỡn nghe chơi...

***

Năm 1978

Năm nay coi mòi nước đổ về sớm thiệt, nhớ mới ăn Tết Đoan ngọ có bao lâu mà giờ con sông trước nhà đã trở mình như tôm luộc, vậy là con nước son chuyển sắc dậy mùi hương ngai ngái không lẫn vào đâu được, khi những cơn gió từ ngoài sông thổi thốc vào mang theo hơi hướm của bờ bãi phù sa tươi nguyên đầu mùa con nước đổ.

Y như rằng, đó là năm mà người dân xứ này chứng kiến mùa nước nổi dữ dằn, mà cũng thiệt nhiều sự kiện khó quên trong đời mình. Vui có, buồn có, nhưng tình người trong lúc hoạn nạn, gieo neo thì đong đầy như nước lớn ngoài sông cái.

Trưởng Ấp Ba Công tong tả, còng lưng đạp chiếc xe đòn dông, phía sau pa-ga buộc cái bình ắc- quy, phía trước ghi-đông treo cái loa bông bí chà bá đã cũ xì, một tay cầm mi- crô, chạy khắp xóm thông báo cái tin “quan trọng”.

Một âm thanh rè rè, rột rẹt phát ra từ chiếc loa cũ: “Bà con chú ý, chú ý. Nước đã tràn đồng, bà con nhanh chóng di dời đồ đạc lên chỗ cao. Đề nghị mọi người- trừ đờn bà con gái, tập trung về sân nhà ông Cả, chờ phân công nhiệm vụ “quan trọng”. Thông báo này là vô cùng “quan trọng”, bà con chú ý!” Bà con gọi đùa là ông Trưởng ấp “quan trọng”.

Nhưng được cái nhiệt tình, tốt bụng, bất kể chuyện gì lớn nhỏ trong xóm là chú có mặt, bất kể đêm hôm, nhất là mấy vụ trộm xuồng, trộm gà, trộm vịt, chú làm dữ lắm, chỉ tiếc nào giờ chưa... phá được vụ án nào ở cái xóm Chùa này.

Thiệt ra thì bà con đã quá quen với chuyện này rồi, đúng hạn kỳ thì nước lên thôi. Nhưng không ngờ năm nay con nước đã tràn về dữ dội, mới qua một ngày đêm nước đã chụp ngập lút cánh đồng, rồi lên lé đé sàn nhà.

Một cuộc di cư tán loạn của chuột đồng, rắn, rít lội lổm ngổm đu bám vào mấy bụi tre, thậm chí chui vào những đống củi, chái nhà. Mấy đứa nhỏ hí hửng, í ới vác chĩa, huýt gió bầy chó nhà vẫy đuôi cong cớn, hực hực phóng lên xuồng sủa inh ỏi.

Tại sân nhà ông Cả, mọi người tập hợp đông đủ, Ba Công đề nghị đắp con đập cặp theo mé đường phía ngoài sông.

Vậy là người dùng bao cát tấn mé, móc đất ngoài ruộng độn rơm, độn cỏ đắp cao lên. Sáng nay, nước phá bung mấy đoạn đập bị ngập sâu, có chỗ đắp dã chiến mỏng manh, nước ngoài sông tràn vô như thác, phá bứt con lộ, đạp trôi mấy căn nhà tre tạm bợ.

Chú Ba Công luôn có mặt ứng chiến tại chỗ, hò hét chỉ huy mọi người vớt đồ đạc, tốp xốc nọc, tốp đốn tre chằng buộc lại mấy căn nhà.

***

Chú Ba Công rà xuồng lại cặp vô quán nhậu Cô Đơn của Năm Hường, khuya rồi mà vẫn còn hai bàn ngồi lè nhè. Chiếc casset cũ kỹ đang phát bài vọng cổ của Hữu Phước nghe buồn thâm trầm luôn.

Cô Năm kiên nhẫn ngồi ngáp gió ngó mông lung ra ngoài vàm sông trời nước mênh mông. Đêm tối thui như mực, xa xa nhấp nháy những chiếc đèn bão leo lét của hàng đáy nhà ông Năm Hưng. Nghe tiếng lòi tói thẩy lên sàn nhà, cô Năm như tỉnh hẳn, bật dậy đon đả: “Anh Ba ghé một mình hén?”

Hỏi cho có vậy, chớ bao giờ ghé giác này thì Ba Công cũng chỉ đi một mình, không hẳn là thèm rượu, không hẳn là thèm người tâm sự, nó như một thói quen hễ thiếu thiếu thì không ngủ được.

Ghé đó rồi ngồi đó thu lu một mình, uống hết 1 xị đế thì bơi xuồng về bên kia sông. Những lúc như thế này, người ta mới thấy một Ba Công khác, trầm ngâm, thật cô độc và u ẩn đầy tâm trạng. Mấy đứa nhỏ bàn kế bên nhổm dậy qua mời chú Ba nhập bàn cho vui.

Chú ậm ờ: “Mấy đứa bây uống đi, tao uống rượu vua mờ. Mà nè, nhậu đã thì về, đừng quậy nghe mấy cha non”. Cả đám “dạ” rân. Không hẳn là nó sợ, mà cả xóm này lớn nhỏ đều rất nể và thương chú Ba.

Người đàn ông cô đơn ngồi trong quán Cô Đơn của một người đàn bà còn cô đơn dữ. Câu chuyện của đôi bạn già này thiệt là ngang trái, cả xóm Chùa ai cũng mong họ về chung một mái nhà cho bớt cô đơn ở quãng đời còn lại. Nhắc lại thì nó vòng vo tam quốc cái sự đời lắm...

***

Năm 1946

16 tuổi, thằng Công nghỉ học. Không khí rần rần rộ rộ của xóm làng lúc đó, đâu có đứa nào đi học nổi. Cả đám nhỏ nhỏ thì vô đội thiếu niên tiền phong, vác tầm vông vạc nhọn tập đi đều một, hai...

Mấy anh lớn thì luyện bắn cung, phóng phi tiêu dựng cây chuối làm hình nộm. Chiều chiều, thì tập đánh roi, đi quyền. Học võ cổ truyền, võ Bình Định.

Thằng Công nhỏ xíu đã biết múa song tô, cặp đoản đao khua loang loáng, bộ thế mềm mại uyển chuyển mà vững trân, ác liệt nhất là nó múa bài quyền “Song phượng triều dương” của thiếu lâm là cả đám nhỏ lé mắt luôn. Các thợ rèn trong làng rèn mã tấu ngày đêm không ngơi tay.

Thợ mộc khép vỏ thiệt khéo, mấy anh chỉ huy đeo bên hông, rõ oai. Một không khí sục sôi khắp xóm làng, căm thù tụi Tây đốt nhà, hãm hiếp đờn bà con gái.

Già, trẻ, lớn, nhỏ tham gia phong trào giết giặc trả thù nhà, cũng là nghe lời lời kêu gọi của Bác Hồ: “Ai có súng thì dùng súng, ai có gươm thì dùng gươm”.

Ngày 6/3/1946 Bác Hồ ký Hòa ước với Chánh phủ Pháp.

Những tháng sau đó, tiếng súng chống giặc lại tiếp tục. Bác Hồ kêu gọi “trường kỳ kháng chiến”. Bà con đồng lòng đốt nhà để địch không có cơ sở đóng đồn. Lớp giặc càn quét, đốt phá, xóm làng càng thêm tiêu điều, xơ xác. Nhiều người bỏ làng đi tản cư xứ khác.

Tía thằng Công kêu bán đứt bầy trâu 6 con. Cả nhà rớt nước mắt nhìn người ta lùa bầy trâu đi. Tiếng rống của con trâu đầu đàn nghe lộng óc, như xé nát cả không gian trời chiều thê thiết.

Buổi tối, tía thằng Công qua nhà gặp ba má con Hường, dặn dò: “Chiến tranh ly tán, dù có ra sao hai gia đình mình cũng vậy.

Sau này êm êm, trở về thằng Công với con Hường lớn lên, mình vẫn giữ lời hứa sui gia nghe anh chị!” Từ đó, mỗi nhà đi mỗi hướng, bặt vô âm tín. Thằng Công theo anh Hai nó vô chiến khu Đồng Tháp Mười.

***

Quay đi, ngoảnh lại vụt qua đã 8 năm trời xa nhà đi chiến đấu. Một hôm, tổ chức gọi lên đề nghị làm mối cưới một cô gái con gia đình cơ sở ở Thiên Hộ Vương cho đồng chí Ba Công.

Nhớ cô bạn ở quê, Ba Công xin phép về thăm nhà, tiện thể ngóng tin tức ra sao. Má nói: “Tùy bây hà, cũng lớn rồi, mà chiến tranh bom đạn vầy hổng biết gia đình con Hường ra sao, nó có chồng chưa?

Biết đường đâu mà đợi bây ơi!” Trầm ngâm hồi lâu, tía Ba Công lên tiếng: “Thôi, được tổ chức quan tâm thì cứ chấp hành đi, con”. Vậy là Ba Công có vợ, mấy năm sau sanh được 2 đứa con gái.

Mùa nước nổi năm 1966, vợ và 2 đứa con gái của Ba Công trúng bom Mỹ, chết mất xác khi đang bơi xuồng trên đồng gần con kinh Đường Thét. Từ đó, Ba Công thề chỉ biết oánh giặc, không bàn chuyện vợ con nữa, chiến tranh này nó ác nghiệt lắm. “Oánh” giặc mải miết, nhổ tróc gốc hai kẻ thù xâm lược.

Oánh tới ngày giải phóng thì tóc cũng đã râm ran bạc trên đầu. Ba Công nghĩ mình đã hoàn thành nghĩa vụ cao cả với quê hương, xin lui về ở nhà làm ruộng chăm sóc mồ mả cho tía má. Em gái Út lấy chồng biệt hù dưới Cà Mau, Ba Công một mình lầm lũi trong căn nhà 5 gian cô quạnh.

Trên xã nhiều lần xuống năn nỉ Ba Công ráng ra làm Trưởng ấp này để còn tiếp tục cống hiến cho làng mình, cực chẳng đã Ba Công đồng ý.

Hai năm sau ngày giải phóng, thì Năm Hường cũng lót tót về quê, cất cái quán lá ngoài bãi bồi xa xa phía bên kia sông. Không chồng con, không còn ai thân thích họ hàng, Năm Hường đặt tên quán Cô Đơn như muốn nhắn nhủ với ai một nỗi lòng giấu kín.

Nhiều người đốc xúi nói vô, hai người nên nối lại tình xưa, Ba Công thì ngại mình đã không giữ lời hứa, phần lớn tuổi rồi còn làm khổ người ta chi, tội nghiệp.

Vậy đó, nhưng mỗi đêm ngồi bên đây, ngó xa xa cái quán cheo leo bên kia sông, ngọn đèn khuya không tắt và cái dáng người đàn bà cô độc thui thủi một mình, Ba Công nghe như nhoi nhói trong lồng ngực. Vậy là không ngủ được, vậy là bơi xuồng qua bển, ngồi thu lu đó như ông thiềm thừ.

Mấy hôm trước, nửa đêm cô Năm trúng gió nóng lạnh nằm rên hừ hừ tới sáng. Mọi khi giác 4 giờ sáng đã thấy bên quán đỏ đèn, lạ, sao bữa nay trời lên nóng mặt sông mà sao thấy cửa nẻo đóng im lìm vậy?

Ba Công chột dạ hối hả bơi xuồng qua, mới hay Năm Hường trúng gió nằm chịu trận suốt đêm qua. Nhìn cái dáng nằm co ro, tóc tai rũ rượi, Ba Công chết đứng nghe như có cái gì cay cay nơi khóe mắt.

Người đàn ông từng vào sinh ra tử, ngang dọc một đời cầm súng, giờ chợt thấy sao lòng mình mềm nhũn lại, thiệt là khó ăn, khó nói với người ta. Sau trận đó, Ba Công thức trắng mấy đêm liền.

***

Quán khuya, khách cũng về hết rồi, chai rượu trên bàn sắp cạn, Ba Công ngồi trầm ngâm, cô Năm Hường kéo ghế khẽ khàng ngồi xuống bên cạnh. Bất chợt Ba Công quay qua nhìn thẳng vào mắt cô Năm, mặt nghiêm lại y như chuẩn bị quyết định cho một trận oánh lớn.

“Anh Ba có chi muốn nói?”- cô Năm hỏi nhỏ, có vẻ hơi chột dạ, cúi xuống giả đò rót ly rượu đầy.

Ba Công từ tốn uống cạn, rồi cất tiếng: “Tui hổng quen hoa lá cành. Bà đừng cười tui,... hổng ấy..., qua con nước này, bà dẹp quán đi rồi dọn về bên kia với tui hen? Một mình ngoài bãi bồi này, đêm hôm gió máy, tui lo lắm!”

Năm Hường làm thinh, quay mặt ngó lung ra ngoài sông, chỉ nghe tiếng gió thổi miên man trong đêm vắng. Từ phía sau, Ba Công thấy đôi vai người đàn bà run lên nhè nhẹ, chiếc khăn rằn vắt vai tuột xuống, rồi khẽ khàng đưa lên chặm chặm nước mắt.

“Bà giận tui dữ lắm phải hông?”- Ba Công bối rối.

“Không đâu, già rồi thời gian còn có nhiêu đâu mà ở đó giận hờn, hả anh Ba. Anh có biết, tui đợi câu nói mở lời của anh mấy chục năm rồi không? Tui đợi huốt cả một thời con gái của tui rồi còn gì”- như dồn nén bao năm trời, Năm Hường khóc tức tưởi. Ba Công chồm tới nắm chặt tay cô Năm.

Có những giọt nước mắt nóng hổi rơi trên đôi bàn tay không còn trẻ nữa. Họ mặc kệ, dù sao đó cũng là những giọt nước mắt muộn màng vào cuối mùa hạnh phúc của đời người.

Hồi lâu, Ba Công cất tiếng: “Ngày mai tui sẽ đi thông báo cho bà con biết cái tin quan trọng này”. Năm Hường ngúng nguẩy đẩy vai Ba Công ra: “Thôi thôi, cái tật hổng bỏ hà, chuyện riêng tư mà vác cái loa đi thông báo cho cả làng nước biết hả, ông thần? Chắc tui độn thổ quá. Già mốc củ đế rồi”. Ba Công lại cười khục khục trong cổ họng.

Không đợi qua con nước, đêm nay Ba Công ngủ luôn lại nhà cô Năm. Kể từ cái đêm hôm này, quán Năm Hường không còn Cô Đơn nữa. Người phụ nữ 48 tuổi mới được hưởng hạnh phúc đàn bà với mối tình đầu tiên của mình...

Nước ngoài sông vẫn thao thiết chảy, trong ngôi nhà tĩnh lặng phía bãi bồi, cho ngọn đèn dầu chứng kiến một chuyện tình kết thúc có hậu, dù cho quá muộn màng.

***

Mùa nước năm ấy, dù có dữ dằn mấy rồi cũng qua đi. Khi gió chướng lao rao thổi khô mặt ruộng, bãi bờ lại hồi sinh trả lại hình hài của những kinh rạch, dòng sông. Người dân xóm Chùa rộn ràng đón tết và cùng đón tin vui và thành tâm chúc phúc cho đôi bạn già.

Nhịp sống của xóm Chùa vẫn tiếp diễn như bao đời nay, họ lại tiếp tục những câu chuyện tào lao mà vô hại. Và tiếp tục ngóng đợi những mùa nước lên chan đầy bờ bãi, mang mỡ màng phù sa về cho những vụ mùa bất tận một miền quê.

5/12/2016

Hà Ngọc Trảng