Với những thước phim đầy ý nghĩa, loạt ký sự miền Tây "Vĩnh Long- đất sử tình người" sẽ mang đến cho quý khán giả những phút giây tự hào, xúc động về những trang sử hào hùng trên đất Vĩnh. Bộ phim sẽ được phát sóng lúc 17 giờ chủ nhật hàng tuần trên THVL1, bắt đầu từ 1/1/2017.
Vĩnh Long- vùng đất của những địa danh đi vào lịch sử
Cách đây hàng trăm năm, nơi chiếc cầu Mỹ Thuận sừng sững nối 2 bờ sông Tiền và sông Hậu, có một địa danh mang tên Long Hồ dinh được hình thành. Buổi đầu, sở lỵ dinh Long Hồ đặt tại Cái Bè.
Sau mấy lần dời đổi, dinh Long Hồ an vị tại xứ Tầm Bào, nay thuộc TP Vĩnh Long. Với tầm quan trọng về ý nghĩa chiến lược và là vùng đất màu mỡ, Long Hồ nhanh chóng trở thành trung tâm quan trọng của Nam Bộ suốt một thời gian dài. Nơi đây còn là nơi hội tụ nền “văn minh miệt vườn” theo cách nói của nhà văn Sơn Nam, với những dấu tích văn hóa được bảo tồn gần như nguyên vẹn sau hàng trăm năm.
Những đình làng được thờ cúng trang trọng đến ngày nay, những lăng miếu vẫn vững vàng hiên ngang chứng kiến bao thăng trầm thời cuộc và lưu danh vào lịch sử như: Văn Thánh miếu, Công Thần miếu, miếu võ Long Hồ, Lăng Ông Thống Chế Điều Bát, đền Châu quận công...
Là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, Văn Thánh miếu được xem là “Quốc Tử Giám của phương Nam”. Văn Thánh Miếu còn là niềm tự hào của người dân Vĩnh Long bởi quá trình hình thành và trường tồn trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động.
Bắt đầu từ hòa ước Nhâm Tuất năm 1862, Pháp trả Vĩnh Long cho triều đình Huế, các bậc sĩ phu 3 tỉnh miền Đông đã tập trung về miền đất này. Nhằm xây dựng một tụ điểm đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước, Phan Thanh Giản và đốc học Nguyễn Thông đã gấp rút xây dựng Văn Thánh miếu tại cửa ngõ chiến lược còn lại của 3 tỉnh miền Tây.
Mấy tháng sau, quân Pháp quay lại chiếm thành Vĩnh Long lần 2, Phan Thanh Giản tuẫn tiết, Nguyễn Thông tị địa ra Bình Thuận. Lấy cớ thiếu gỗ xây dinh Tham biện nên Pháp có ý định muốn phá dỡ Văn Thánh miếu, bá hộ Trương Ngọc Lang được đồng bào đề cử đứng ra tranh cãi, nhờ vậy công trình văn hóa này còn tồn tại đến ngày nay.
Không chỉ thờ Khổng Tử và Văn Xương đế quân, Văn Thánh miếu còn thờ Phan Thanh Giản và Võ Trường Toản. Hàng năm tại đây có các lễ cúng Xuân Thu Nhị Kì, lễ vía cụ Phan vào tháng 7, lễ cúng vọng các Trung thần liệt tử vào tháng 10 âm lịch.
Ngoài Văn Thánh miếu mang nhiều ý nghĩa lịch sử, một nơi hội tụ đầy đủ các vị phúc thần của đất Long Hồ chính là Công Thần miếu. Nơi đây nằm bên tả ngạn sông Cổ Chiên, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 17 năm 1836. Miếu thờ 85 đạo sắc, tượng trưng 85 vị công thần các thời nhà Lê chúa Nguyễn và nhà Nguyễn.
Năm 1867, sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Tây, thực dân Pháp dỡ miếu đem về xây cất tòa bố. Các vật dụng và 85 đạo sắc được người dân bảo vệ, giữ gìn đưa về thờ tạm tại đình làng Thiềng Đức. Nhờ vậy, ngày nay Công Thần miếu còn giữ được đôi câu đối vô giá mà ý nghĩa của nó là bất tử:
“Phò Lê- Nguyễn tám mươi lăm vị công thần, tráng khí oai hùng vang trời Bắc
Bình Chiêm- Lạp hơn trăm ngàn chiến trận, danh thơm lừng lẫy khắp biển Nam”.
Không chỉ có Văn Thánh miếu hay Công Thần miếu mà còn đó những địa danh như Lăng Ông Thống Chế Điều Bát trên đất Trà Ôn, đình Tân Giai nơi thờ tự Tống Phước Hiệp- vị tướng đầu tiên của Long Hồ dinh xưa, đền Châu Quận công ở Mang Thít, mộ cụ Phan Thanh Giản,... Những ngôi đình, miếu với các nghi lễ thờ cúng trang trọng ấy là nơi lưu giữ công lao của các bậc tiền nhân, nhưng nơi ghi tạc vững bền nhất, ý nghĩa nhất và đáng trân trọng nhất chính là lòng dân!
Vĩnh Long- đất Chín Rồng sản sinh nhân kiệt
Vĩnh Long có những địa danh oanh liệt ghi vào lịch sử; có một vùng đồng bằng phù sa màu mỡ với cây lành trái ngọt quanh năm và bao lớp tiền nhân đã ngã xuống để dùng mồ hôi, máu lệ của mình xua tan mù sương chướng khí của vùng đất phương Nam ngày nào. Tình người hòa trong tình đất!
Sự thuận lợi đến từ yếu tố Thiên thời- Địa lợi- Nhân hòa, Long Hồ dinh xưa được xem là nơi ẩn vị của rồng. Vùng đất sử này đã sản sinh ra những nhân vật kiệt xuất viết nên trang sử hào hùng cho quê hương Vĩnh Long.
Nhân vật đầu tiên phải kể đến của đất Long Hồ là danh tướng Tống Phước Hiệp. Ông là Quan trấn thủ đầu tiên của đất Long Hồ, có công trong việc đánh đuổi quân Xiêm La, lại thương dân như con. Đầu năm 1776, sau hơn một tháng chống cự quân Tây Sơn thì ông qua đời vì bạo bệnh và được thờ tự ở đình Tân Giai.
Sau Tống Phước Hiệp, nhân vật số 2 của đất Long Hồ, một trong “Tam hùng Gia Định” là Tướng Châu Văn Tiếp. Giỏi võ nghệ, Châu Văn Tiếp đã giúp Nguyễn Ánh chiếm được thành Gia Định. Năm 1784, ông từng được phong Bình Tây đại đô đốc.
Tháng 10 cùng năm, Châu Văn Tiếp giáp chiến tướng Tây Sơn tại sông Mang Thít và tử thương ở tuổi 46. Đền Châu quận công nằm ở Mang Thít. Về sau, Nguyễn Ánh cho cải táng ông tại xã Hắc Lăng, thuộc dinh Trấn Biên nay thuộc Bà Rịa Vũng Tàu và xem ông là “Đệ nhất khai quốc công thần”.
Không chỉ có những công thần có công trong công cuộc mở mang bờ cõi, với vùng đất được mệnh danh là “Đất học”, Vĩnh Long cũng đã lưu vào sách sử những tấm gương hiếu học hết lòng vì dân vì nước. Điển hình là Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký với tài năng lỗi lạc và cả những án oan xuyên thế kỷ.
Là vị Tiến sĩ khai khoa ở Nam Bộ và làm quan trải qua 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, Phan Thanh Giản là người hết lòng yêu nước thương dân nhưng lại chịu án oan “mãi quốc” và phải đau xót mang tiếng nhơ làm mất đất về tay Pháp xuống đáy mồ. Dù phải dùng đến thuốc độc để rửa oan nhưng cụ Phan vẫn phải chịu tiếng đời phán xét trong hơn một thế kỷ rưỡi.
Ngoài cụ Phan, một nhân vật kiệt xuất cũng chịu nhiều nỗi đau thời cuộc và bị tiếng đời rẻ khinh khi làm thông ngôn cho giặc, đó là nhà bác học Trương Vĩnh Ký.
Ông luôn cố gắng đưa tiếng Việt trở thành ngôn ngữ văn hóa phổ biến, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Là nhà báo chữ quốc ngữ đầu tiên với tờ Gia Định báo, ông có tên trong danh sách 18 nhà bác học của thế kỷ XIX.
Thông thạo 26 thứ tiếng khi mới 25 tuổi, tài năng ngoại ngữ đặc biệt ấy đã khiến ông được chọn làm thông dịch cho phái bộ của Phan Thanh Giản trong sứ mệnh gặp Hoàng đế Pháp Napoleon đệ tam để xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào năm 1863. Nói như nhà văn Hoàng Lại Giang thì Trương Vĩnh Ký đã ứng xử phù hợp với thời cuộc.
Ông làm phiên dịch, thông ngôn nhằm tìm cách giúp đỡ đất nước, giúp đỡ nhân dân vì hơn ai hết ông là người hiểu được thời thế. Thế nhưng, đâu ai hiểu cho một kẻ sĩ sinh bất cùng thời nên nhà bác học tài ba Trương Vĩnh Ký đã phải viết nên “Bi kịch muôn đời” (nhà văn Hoàng Lại Giang) cho chính mình!
Dù thời gian đã trả lại những điều mà lịch sử không phủ nhận, nỗi oan ức cũng như công lao của hai nhân vật kiệt xuất đất Long Hồ đã được hậu thế thấu hiểu và trân trọng nhưng vẫn nghe ngậm ngùi thay cho những bậc hiền nhân khi mang bao ức oan, đoạn trường xuống đáy mồ suốt bao nhiêu năm...!
Với những thước phim đầy ý nghĩa, loạt ký sự miền Tây “Vĩnh Long- đất sử tình người” sẽ mang đến cho quý khán giả những phút giây tự hào, xúc động về những trang sử hào hùng trên đất Vĩnh. Bộ phim sẽ được phát sóng lúc 17 giờ chủ nhật hàng tuần trên THVL1, bắt đầu từ 1/1/2017.
BÁCH HỢP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin