Nhắc tới Hà Nội, không thể không nghĩ tới Hồ Gươm, Lăng Bác, Văn miếu - Quốc Tử Giám..., những địa danh gắn liền với Thủ đô trong suốt chiều dài lịch sử.
Nhắc tới Hà Nội, không thể không nghĩ tới Hồ Gươm, Lăng Bác, Văn miếu - Quốc Tử Giám..., những địa danh gắn liền với Thủ đô trong suốt chiều dài lịch sử.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội và của cả quốc gia. Đây là nơi gìn giữ và tôn vinh đạo học, thể hiện đặc sắc nhất những giá trị nổi bật của văn hiến Việt Nam.
Xưa kia, đây là chốn "cửa Khổng sân Trình", là "Thánh đường của Nho học", nơi đào tạo và biểu dương nhân tài của đất nước; nay đã trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học, góp phần to lớn vào công cuộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho Thủ đô xứng đáng là viên ngọc "Ngàn năm văn hiến" của đất nước.
Hồ Gươm
Hồ Gươm - dấu tích của một khúc sông Nhị Hà xưa, cùng với Tháp Rùa và Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc là thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô. Tên hồ gắn với truyền thuyết về Lê Lợi rút gươm trả lại rùa thần nên còn có tên là Hoàn Kiếm.
Ngày nay, Hồ Gươm đã trở thành một trong những biểu tượng về lịch sử, văn hóa và cảnh quan của Hà Nội và là địa điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến với Thủ đô. Di tích mang giá trị lớn về nhiều mặt và ngày càng thân thiết, gắn bó với người dân Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước, cũng như bạn bè quốc tế nói chung.
Lăng Bác
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa đặc biệt của thế kỷ XX giữa Thủ đô Hà Nội. Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động quan trọng của dân tộc, của Đảng, Nhà nước; nơi tổ chức các buổi mít tinh, duyệt binh, diễu binh, diễu hành chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc.
Cột cờ Hà Nội
Là một trong những di tích được bảo tồn nguyên vẹn trong quần thể khu di tích thành cổ, Cột cờ Hà Nội là một biểu tượng thiêng liêng của mảnh đất Thăng Long, Hà Nội. Cột cờ Hà Nội còn gọi là Kỳ đài Hà Nội, là một kết cấu dạng tháp được xây dựng dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long.
Năm 1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội. Đến ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, lễ thượng cờ Tổ quốc trên đỉnh Cột cờ Hà Nội đã trờ thành giây phút thiêng liêng với người dân Thủ đô.
Nhà hát Lớn Hà Nội
Là công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng từ thời Pháp, Nhà hát Lớn trước đây còn là nơi diễn ra hàng loạt sự kiện trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng tháng Tám và những năm đầu của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Không chỉ là công trình có một không hai với những giá trị kiệt xuất về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và mỹ thuật, ngày nay, Nhà hát Lớn Hà Nội luôn luôn là trung tâm của các cuộc họp, hội nghị mít tinh quan trọng và là nơi biểu diễn mang tính nghệ thuật cao của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Cầu Long Biên
Với người Hà Nội, Cầu Long Biên không chỉ là cây cầu đầu tiên nối những bờ sông Hồng mà còn là nơi chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử hào hùng bi tráng của Hà Nội. Những ngày mùa Thu năm 1954, cầu Long Biên đã chứng kiến những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Thủ đô.
Ngày nay, vai trò huyết mạch giao thông tuy không còn nhưng Cầu Long Biên vẫn là cây cầu mang tính lịch sử, hiên ngang chứng kiến Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ từng ngày, từng giờ và gợi cho người dân Thủ đô nhớ về quá khứ.
Theo VTV.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin