Truyện ngắn

Dưới bóng cây

Cập nhật, 05:51, Chủ Nhật, 09/10/2016 (GMT+7)

Mới chín, mười giờ, đã gay gắt nắng. Mặt đường nhựa láng bóng, sáng chói. Bụi mịt mù mỗi khi có chiếc xe đò ào ào vượt lên. Cha vẫn gò lưng, hai tay như gồng lên nắm chắc tay lái.

Bánh xe cũng cố gắng nuốt từng quãng, từng quãng đường dài. Gần hai năm nay, tôi không nhớ đây là lần thứ mấy hai cha con rong ruổi trên tuyến Quốc lộ 1A này.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Xe chạy chưa được hai tiếng đồng hồ mà hai cha con đã thấm nắng, gió. Môi tôi khát khô, có lẽ cha cũng vậy. Cha quay ra sau nói:

- Kiếm chỗ bóng mát uống nước nghỉ chút, con ơi!

Dọc hai bên đường hiếm chỗ có bóng mát lý tưởng. Nơi nào có cây xanh bóng mát thì chỗ đó là cà phê võng, cơm, hủ tiếu hoặc trước cửa nhà ai đó.

Xe rề rà thêm đôi ba cây số nữa mới có một cây xanh tỏa bóng. Đó là cây trứng cá với tàng nhánh khá rộng. Một bãi đất trống hiếm hoi phủ đầy cỏ và rác.

Cha reo lên rồi cho xe ghé vào. Cả hai đều mừng vì đã chọn được chỗ nghỉ tương đối thoải mái. Mấy lần trước, cha ghé quán cà phê để hai cha con có chỗ ngả lưng trong giây lát.

Chuyến đi, chuyến về đều nghỉ khoảng hai lần, một lần trong quán cà phê võng, một lần thì nghỉ tạm dưới bóng cây để uống nước, thư giãn. Nhưng từ ngày bị một quán cà phê chặt chém giá trên trời, cha chỉ biết kêu trời rồi nhất định không ghé quán nào nữa.

Tiền bạc hiếm hoi, làm ăn vất vả quanh năm, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được đồng tiền cho con vào đại học, vậy mà có những kẻ sẵn sàng móc túi không thương tiếc.

Cha không chỉ giận chuyện liên quan tới bản thân, mà cha còn giận chuyện chung; bởi hôm đó cha chứng kiến một nam sinh viên bị chém tô hủ tiếu đến cả trăm ngàn đồng, còn bạn nữ đi chung bị tính chai nước ngọt đến ba mươi ngàn đồng, hai đứa trả tiền đi ra và than với cha tôi bằng giọng nghẹn ngào.

Vậy là hai cha con cùng nghỉ dưới bóng cây. Cha ngồi trên cục đá rêu phong cạnh gốc cây, tôi đứng cạnh xe cho khỏe chân. Cha cầm chai nước ngửa cổ uống ừng ực.

Nghỉ đôi chút, cha móc trong bị lấy ra ổ bánh mì thịt. Hôm sáng cha không kịp ăn, còn tôi đã ăn rồi. Tôi ngó trời, ngó đất. Đường nhựa bóng như gương, hắt lên hơi nóng hầm hập, phả vào tận gốc cây trứng cá. Xe lớn, xe nhỏ cứ rầm rầm không dứt.

Cây trứng cá vẫn hào phóng tỏa bóng mát che hai cha con, thỉnh thoảng vài cơn gió mồ côi lùa qua, cái nóng như dịu lại đôi chút. Bất chợt tôi quay qua nhìn cha, cha đang khó nhọc nhai xệu xạo miếng bánh mì.

Có lẽ do răng đã rụng đi nhiều. Cha cứ nhai nhồm nhoàm thấy mà thương. Đã trên sáu mươi tuổi rồi còn gì. Ở tuổi này, đúng ra phải nghỉ ngơi, nhưng cha không một ngày ngơi nghỉ.

Đã vậy, cha còn phải đưa tôi lên tận thành phố học đại học. Nhà nghèo, anh Hai phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình nuôi mấy đứa em nhỏ ăn học.

Tôi là đứa con gái kế, học cũng kha khá nên được ưu tiên tập trung lo ăn học, và tôi đã đậu đại học. Nhưng khổ nổi đến giờ này tôi đi xe đò vẫn chưa được, ngồi xe đò là ói lên ói xuống đến mật xanh.

Vì vậy, mỗi lần lên xuống thành phố, tôi đều được cha chở bằng xe gắn máy đến tận trường. Tôi biết đây là một khuyết điểm lớn, nhưng chưa khắc phục được.

Tôi cứ len lén nhìn cha ăn, nhìn để mà thương, nhìn để mà xót trong lòng. Cha làm ruộng, làm vườn, một nắng hai sương. Lúc rảnh thì tranh thủ chạy xe ôm để kiếm thêm đồng nào hay đồng nấy, lo cho con ăn học.

Dường như cuộc đời cha chưa có ngày nào nhàn nhã. Cha đã già trước tuổi với da mặt sạm đen và đầy vết nhăn vượt thời gian. Sao bấy lâu nay tôi không để ý đến sự già nua của cha.

Lúc nào trong tôi cũng là một người cha cường tráng, khỏe mạnh, trẻ trung như ngày nảo ngày nào, để rồi tôi nũng nịu, để cha làm hết mọi việc như lúc mình còn thơ trẻ.

Chỉ nội cái chuyện đưa rước đi học mấy năm phổ thông, rồi lên đại học lại tiếp tục đưa rước, là thấy tội nghiệp cha rồi.

Dù cha không than thở tiếng nào, nhưng tôi biết có lẽ đôi lúc cha cũng rất mệt, nhưng vì thương con gái ốm yếu nên cố gắng. Ước gì nhà có tiền để sắm thêm chiếc xe gắn máy nữa, tôi sẽ tự lực đi đường dài đến trường để cha được khỏe chút nào hay chút ấy.

Tôi lại nhớ hồi còn học lớp mười hai. Đêm nào cũng đi học thêm đầy vất vả, có đêm học thêm hai nơi. Và người đưa rước liên tục như con thoi cũng là cha.

Buổi tối hôm đó, tôi học thêm tại nhà giáo viên trong hẻm, hẻm vừa nhỏ vừa tối. Hết tiết học, tôi ra ngoài đứng chờ, chờ hồi lâu vẫn chưa thấy cha đâu.

Chợt thấy mờ mờ trong ngả rẽ gần đó có chiếc đầu xe quen thuộc, tôi đi nhanh tới thì thấy cha cũng vừa ngồi dậy từ bãi cỏ cạnh đường đan. Bàn tay cha đang nắm chặt ngón chân cái. Dù ánh sáng mờ mờ, nhưng tôi cũng kịp thấy bàn chân cha đầy máu. Chưa kịp hỏi chuyện gì thì cha nói:

- Qua nhà kế bên xin cho cha miếng vải.

Tôi tất tả đi tới ngôi nhà gần nhất xin miếng vải. Người trong nhà biết chuyện, nhiệt tình cho miếng vải khá to.

Cha lập cập bó ngón chân cái lại, tôi giúp cha buộc sợi dây vải cho chắc. Cha vừa buộc vừa nói:

- Đường hẹp quá, cha vừa ngừng xe phải lật đật dẫn lui vào hẻm để nhường đường cho hai chiếc xe đang chờ qua. Đã kéo chân chống xuống rồi mà cha quên gạt lên, gấp quá nên bị nó quẹt mạnh làm lủng ngón chân cái. Máu chảy nhiều, chóng mặt quá nên phải nằm một chút.

Tôi kêu trời, cũng tại hẻm quá tối nên cha không biết vết thương nặng như vậy. Khi máu ra nhiều mới biết. Máu ra nhiều, cha bị chóng mặt phải nằm đại xuống cỏ. Tội nghiệp cha quá!

- Bây giờ cha đỡ chưa?

- Máu hết chảy rồi, chở con về được rồi.

Rồi cha chở tôi về nhà. Ở nhà, đứa em kế đã thay đồ xong, đứng chờ cha về chở đi học thêm lớp đêm. Thấy cha, nó cằn nhằn sao cha về trễ. Tôi vội la:

- Cha về được tới nhà là may lắm rồi. Cha bị chảy máu tới xỉu đó.

Rồi không kịp nghỉ, cha tức tốc chở nhỏ em đi học. Lúc này, trời không biết thương cha, lại đổ mưa rào rào. Hôm đó mẹ không có ở nhà, chớ đúng ra mẹ chở đứa em để cha được nghỉ, chăm sóc vết thủng ở ngón chân.

Nhớ chuyện cũ, tôi lại quay qua nhìn cha. Cha không biết có người nhìn lén, vẫn nhồm nhoàm, nhăn nhó nhai miếng bánh mì.

Ăn uống khó nhọc như vậy, không biết cha có biết ngon không. Nếu tiền bạc kha khá, kiếm quán hủ tiếu có lẽ dễ ăn hơn. Nhưng cha sợ ghé nhằm quán chặt chém nên dễ gì.

Ngó quanh quất, tôi thấy có xe nước mía gần đó. Phải mua nước mía bồi dưỡng cha mới được. Tôi liền mua đưa cho cha bịch nước mía.

- Cha uống đi cho khỏe.

Cha hỏi:

- Bịch nước mía bao nhiêu?

Tôi nói dối là năm ngàn, chớ thật ra chủ quán tính mười ngàn. Sợ nói thật cha la. Ở dưới quê, bịch nước mía như vầy chỉ ba, bốn ngàn mà thôi, còn đi dọc đường thì phải chịu.

Hai cha con chia nhau bịch nước mía, rồi tiếp tục lên đường. Vượt qua bao nắng gió, bụi bặm, cuối cùng thì cũng đến nơi. Tới trường, cha ngồi bệt dưới hàng ba nghỉ ngơi đôi chút rồi lên xe quay về.

Nhìn bóng cha khuất dần trong dòng xe nườm nượp, tôi thấy mắt mình như nhòe đi. Cha còn phải vượt qua gần một trăm năm mươi cây số đường dài mới về tới nhà.

Biết bao bất trắc dọc đường làm sao biết được. Đã nhiều lần cha bị mắc mưa trên đường về, quần áo ướt nhem lẫn bùn sình. Có lần xe bị cán đinh, cha dẫn bộ cả cây số mới có chỗ vá.

Nghĩ tới đó, tôi càng thấy thương cha hơn. Thương cha rồi lại trách mình bấy lâu nay quá vô tình với cha. Cha cực khổ như vậy để lo cho tôi ăn học, vậy mà cả năm nay đôi lúc tôi lại chểnh mảng việc học. Chợt nhói lòng khi nghĩ đến điều này.

Hình ảnh già nua khắc khổ của cha mà tôi vô tình được nhìn kỹ dưới bóng cây ven đường đã làm thay đổi cách ứng xử của tôi đối với cha, nhất là đối với việc học. Tôi chú tâm vào việc học nhiều hơn, giảm tối đa những cuộc hẹn hò đi chơi cùng chúng bạn.

Bạn bè thấy tôi đột nhiên thay đổi cách sống, cách học, đứa nào cũng ngạc nhiên. Rồi tôi kể cho vài đứa bạn thân nghe hình ảnh người cha nhồm nhoàm nhai ổ bánh mì. Vậy là có đứa ngồi nhớ đến sự cực nhọc của cha, sự tảo tần một nắng hai sương của mẹ, ngồi khóc hu hu.

Hình ảnh người cha mà tôi lén nhìn dưới bóng cây trứng cá, đã làm thay đổi trong tôi biết bao nhiêu.

PHONG LAN (TP Vĩnh Long)