Hãy ứng xử văn hóa khi lên xuống phà

03:09, 23/09/2016

Tôi cũng ít qua phà, nhưng mỗi lần qua phà là thấy nhiều cảnh khó chịu vô cùng. Chẳng hạn như, một lần qua phà vào buổi trưa ở bến phà An Bình (Long Hồ), lúc lên phà phía bên An Bình, giờ cao điểm nên lượng xe rất đông vậy mà có một cô gái trẻ đậu xe tay ga án ngay trên đường lên.

Tôi cũng ít qua phà, nhưng mỗi lần qua phà là thấy nhiều cảnh khó chịu vô cùng. Chẳng hạn như, một lần qua phà vào buổi trưa ở bến phà An Bình (Long Hồ), lúc lên phà phía bên An Bình, giờ cao điểm nên lượng xe rất đông vậy mà có một cô gái trẻ đậu xe tay ga án ngay trên đường lên.

Xe muốn lên phải lách qua, lách lại để tránh, nhiều người lách qua được quay lại nhìn cô gái tỏ thái độ bực dọc nhưng cô này vẫn tỉnh bơ. Đến khi có chú lớn tuổi phía làn đường bên kia nhắc nhở “muốn chờ thì chạy lên phía trước cho xe dễ lên” cô gái này cũng... trơ trơ.

Lại thêm chuyện đến đoạn xếp hàng chờ thu phí. Xe nhiều nên phải nhích lên từng chút một. Vậy mà nhóng thấy chờ hơi lâu nên một nam thanh niên đã lách xe qua phần đường cho xe xuống phà để đi trước.

Anh này dùng một chân đạp dây xích một tay rồ máy vọt lên, rồi tỉnh queo móc tiền ra trả. Thấy xe trước làm vậy, một thanh niên khác cũng bườn xe qua theo cách tương tự, rồi 2 người, 3 người,... Một lúc sau thanh chịu dây xích oằn xuống rồi ngã ngang do không chịu được sức nặng. Vậy mà vài thanh niên vẫn vô tư chạy qua. Thấy thiệt kỳ cục!

Một lần khác qua bến phà ngang ở Bình Minh, có bảng thông báo lớn ở nhà chờ phà là: “Khách qua phà thanh toán bên kia và khách vào nhà chờ đợi phà”. Phà không đông khách, không có người quản lý bến nhưng nhiều người vẫn tuân thủ theo. Vậy mà có một cô gái trẻ lại chạy xe ra mỏ bến phà để chờ.

Phà vừa cập bến xe chưa lên hết là cô này đã nhanh chân chạy xe xuống phà. Nhiều người đợi trong nhà xe tặc lưỡi: “Người trẻ gì mà...” Đó là chưa kể đến chuyện chen lấn trên phà, bóp kèn inh ỏi, rồi vừa ăn vừa xả rác trên phà, hay không ít đàn ông quay ra sông “trút bầu tâm sự”...

Khi kể chuyện bức xúc này với vài bạn trẻ, tôi lại thêm bẽ bàng khi được trả lời: “Chuyện thường ngày ở huyện thôi mà. Lúc đầu còn thấy chướng mắt, khó chịu, nhưng thấy hoài nên... quen, hóa bình thường”.

Ứng xử có văn hóa nơi công cộng là nếp sống văn minh cần được mọi người coi trọng. Và mỗi người, ai cũng cần phải có. Ấy vậy mà, một số người- trong đó có người trẻ ứng xử “kỳ quặc” khiến nhiều người lắc đầu ngao ngán.

Chẳng lẽ ngày nay cuộc sống gấp gáp đến nỗi người ta thấy trễ vài giây thôi cũng chậm? Chẳng lẽ “văn hóa chen lấn” vui hơn văn hóa xếp hàng?

THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh