Ngày 5/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam", nhằm giới thiệu, quảng bá chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam với thế giới.
Ngày 5/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam”, nhằm giới thiệu, quảng bá chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước và di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam với thế giới.
Đọc sách tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long năm 2016. |
Đồng thời, phản bác lại âm mưu, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng.
Theo đó, đề án được phân kỳ thành các giai đoạn thực hiện 5 năm, riêng giai đoạn 1 của đề án được thực hiện từ năm 2016- 2020.
Nhà nước bố trí nguồn vốn từ ngân sách sự nghiệp văn hóa hàng năm của Trung ương giao cho Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức thực hiện đề án.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam thành lập BCĐ thực hiện đề án là những nhà quản lý văn hóa, nhà khoa học đầu ngành và các chuyên gia chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; cũng như thành lập thêm ban quản lý đề án đặt dưới sự điều hành của BCĐ.
Ban quản lý này có trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của đề án theo kế hoạch, tiến độ được phê duyệt và được sử dụng con dấu, tài khoản của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam để giao dịch, thực hiện nhiệm vụ…
Biểu diễn nhạc ngũ âm tại chùa Kỳ Son (Tam Bình). |
Trong thời gian thực thi, Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” tiến hành khảo sát, điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng hệ thống tư liệu, sáng tạo, xuất bản, phát hành và quảng bá các công trình văn học nghệ thuật về các dân tộc thiểu số Việt Nam dưới dạng sách in, sách điện tử (ebook), sách 3D, phim tài liệu, phim chuyên đề và hệ thống thư viện số.
Cụ thể, sẽ biên tập, biên soạn và phát hành khoảng 1.500 công trình, tác phẩm được chọn lọc từ kho tài liệu hơn 2.500 tác phẩm, công trình đã được nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác để xuất bản sách in.
Phát hành 1.500 sách điện tử được chuyển từ 1.500 tác phẩm, công trình sách in đã xuất bản nêu trên; việc truy cập thông tin trên máy tính để bàn và các thiết bị điện tử cầm tay sẽ có hệ điều hành phù hợp, thông dụng, đảm bảo sự dễ dàng, thuận lợi cho người sử dụng.
Đối với sách 3D, đề án xây dựng bộ sách gồm 54 sách 3D của 54 dân tộc Việt Nam, trong đó giới thiệu những đặc trưng của từng dân tộc với các yếu tố: ngôn ngữ, địa bàn cư trú, phân bố dân cư, hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa…
Bên cạnh đó, đề án trên cũng thực hiện 54 bộ phim tài liệu, phim chuyên đề giới thiệu về tộc người, hoặc phim chuyên đề về văn hóa, lễ hội dân gian, tín ngưỡng dân gian, nghề thủ công truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, cũng như âm nhạc nghệ thuật truyền thống của 54 dân tộc sinh sống trong nước.
Riêng trang tin điện tử của đề án trên sẽ đăng tải tất cả hệ thống tư liệu bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, bảo đảm cung cấp các thông tin cơ bản, tiêu biểu nhất về văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc, cũng như những tác phẩm, công trình của đề án được đăng tải dưới dạng file điện tử để công bố, phổ biến rộng rãi các giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật của các dân tộc Việt Nam đến mọi đối tượng trong và ngoài nước.
Song song đó, tất cả sản phẩm của đề án như sách điện tử, sách 3D, phim tài liệu, phim chuyên đề sẽ được số hóa, hệ thống hóa và cung cấp trong thư viện số hóa giúp người đọc xem dễ dàng và truy cập dữ liệu nhanh nhất, tốt nhất và khoa học nhất.
Những nội dung trên của đề án được triển khai sẽ bổ sung, số hóa kho tư liệu văn hóa, văn học, nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trên cơ sở kế thừa nguồn tư liệu của các nhà dân tộc học, nhân học, văn hóa học và các sáng tác văn học, nghệ thuật trước đây.
Thêm vào đó là bổ sung nguồn tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu chuyên sâu, trao đổi, giao lưu phát triển văn hóa giữa các dân tộc; đồng thời đây là cẩm nang, kiến thức cơ bản cho cán bộ làm công tác dân vận, giáo viên, chiến sĩ biên phòng vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và đông đảo các đối tượng thụ hưởng khác trong nước và quốc tế.
Đề án cũng góp phần củng cố và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc và khối đại đoàn kết dân tộc; khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước và sự gắn bó cùng phát triển giữa các cộng đồng dân tộc trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” phục vụ cho các đối tượng thụ hưởng là bạn đọc, nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước quan tâm đến văn học, nghệ thuật, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhân dân và chiến sĩ ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, các trung tâm văn hóa xã hội, các viện nghiên cứu chuyên ngành, hệ thống các cơ sở đào tạo đại học, trường phổ thông, các cơ quan báo chí và các học viện báo chí tuyên truyền của hệ thống công tác văn hóa, tư tưởng từ Trung ương đến địa phương (cấp tỉnh). |
Bài, ảnh: MINH TRIẾT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin