Ảnh: Giai thoại về cô gái 3 lần đăng quang Hoa hậu Đông Dương

07:09, 08/09/2016

Câu chuyện xưa có thể chỉ là giai thoại nhưng nhan sắc của Hoàng hậu Nam Phương là điều không ai có thể bàn cãi.

Câu chuyện xưa có thể chỉ là giai thoại nhưng nhan sắc của Hoàng hậu Nam Phương là điều không ai có thể bàn cãi.

LTS: Theo nhiều giai thoại, những cuộc thi sắc đẹp đã xuất hiện từ khi nước ta còn trong thời thuộc địa nửa phong kiến. Bấy giờ, người đẹp khắp ba miền Bắc - Trung - Nam được ca tụng là "Hoa hậu Đông Dương".

Tuy nhiên, theo nhiều nhà sử học, trong đó có ông Dương Trung Quốc, thì thời đó chưa có một cuộc thi sắc đẹp được tổ chức quy củ.

"Ngôi hậu này chỉ là danh vị gắn với người đẹp. Chẳng hạn, người ta thấy cô gái nào đẹp nhất vùng thì gọi là hoa hậu, như ta vẫn nghe "hoa hậu phường", "người đẹp Bình Dương"… chữ hoa hậu đôi khi được dùng thay cho từ người phụ nữ đẹp" - ông giải thích.

Không có tài liệu lịch sử nào ghi lại, song câu chuyện về những nàng Hoa hậu ngày ấy vẫn tồn tại trong nhiều giai thoại xưa và được người đời truyền tai nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác qua các câu chuyện trà dư tửu hậu.

Giai thoại 3 lần đăng quang Hoa hậu Đông Dương của Hoàng hậu Việt

Nhắc đến giai thoại về Hoa hậu Đông Dương, người ta không thể nào quên cái tên Hoàng Hậu Nam Phương.

Theo các tài liệu sử sách ghi lại thì Nam Phương Hoàng hậu có khuê danh là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh ngày 4 tháng 12, 1914 tại Huyện Kiến Hòa, Tỉnh Định Tường (Nay thuộc Thị Xã Gò Công,Tỉnh Tiền Giang).

Nam Phương Hoàng Hậu xuất thân trong một gia đình Công giáo giàu có bậc nhất miền Nam thời bấy giờ, do đó bà còn có tên thánh là Marie Thérèse.

Bà là con gái của Nguyễn Hữu Hào, mẹ là Lê Thị Bính, cháu ngoại của Lê Phát Đạt (tục gọi là Huyện Sỹ) ở Nam Kỳ, một trong bốn người giàu nhất nước Việt Nam những năm đầu của thế kỷ 20.

Giai thoại cũng kể lại rằng từ nhỏ, nhan sắc của bà đã nổi tiếng khắp vùng Tiền Giang, Hậu Giang ngày ấy. Không chỉ xinh đẹp, Nguyễn Hữu Thị Lan còn nổi danh vì học hành giỏi giang.

Hoàng hậu Nam Phương trong mắt một nhiếp ảnh gia người Pháp.
Hoàng hậu Nam Phương trong mắt một nhiếp ảnh gia người Pháp.

Từ nhỏ, bà cùng chị đã được cha mẹ cưng chiều hết mực, có cuộc sống sung sướng an nhàn, trải qua tuổi hoa niên êm đẹp với đầy đủ vật chất và tinh thần. 

Bà được cha mẹ đưa lên Sài Gòn học đến năm lớp 12 thì sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux - một trường nữ danh tiếng ở Paris.

Tháng 9 năm 1932, sau khi thi đậu tú tài toàn phần, Nguyễn Hữu Thị Lan về nước trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime.

Người đời cũng truyền miệng lại rằng sau khi từ Pháp trở về, bà tham dự cuộc thi Hoa hậu Đông Dương 3 lần và cũng cả 3 lần ấy đều giành được ngôi vị cao nhất.

Sau các cuộc thi nhan sắc, tiếng tăm của bà nổi tiếng khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Nhiều giai thoại còn kể lại rằng có người si mê nhan sắc của bà đến nỗi lặn lội từ Bắc vào Nam chỉ để được nhìn thấy bà đi trên phố.

Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam

Có thể câu chuyện Nguyễn Hữu Thị Lan giành ngôi vị Hoa hậu Đông Dương chỉ là giai thoại trong các câu chuyện trà dư tửu hậu nhưng chuyện bà là Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam thì không ai có thể chối cãi.

Sử sách đã ghi lại rằng Nguyễn Hữu Thị Lan và vua Bảo Đại gặp nhau trong buổi dạ tiệc tại khách sạn La Palace tại Đà Lạt vào năm 1934 - một năm sau khi bà từ Pháp trở về.

Cuộc gặp gỡ lần đầu tiên ấy đã khiến cả hai cùng có ấn tượng tốt đẹp về đối phương. Từ ấy, vua Bảo Đại và bà thường dành thời gian gặp gỡ để trao đổi tâm tình.

Theo các tài liệu lịch sử, hôn lễ của bà và vua Bảo Đại được tổ chức ngày 20 tháng 3 năm 1934 ở Huế. Ngay ngày hôm sau, lễ tấn phong Hoàng Hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Dưỡng Tâm. Hoàng đế phong Hoàng Hậu tước vị Nam Phương Hoàng Hậu.

Nam Phương trong ngày nhận ngôi vị hoàng hậu. Ảnh chụp ngày 21-3-1934, một ngày sau ngày cưới.
Nam Phương trong ngày nhận ngôi vị hoàng hậu. Ảnh chụp ngày 21-3-1934, một ngày sau ngày cưới.

Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong Hoàng hậu ngay sau khi cưới là một biệt lệ đối với các chính cung trong triều Nguyễn. 

Vì mười hai đời Tiên Đế nhà Nguyễn trước, các bà chánh cung chỉ được phong tước Hoàng quý phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu.

Nam Phương Hoàng hậu cùng vua Bảo Đại có tất cả 5 người con.

Nhan sắc của hoàng hậu Nam Phương thời ở cữ.
Nhan sắc của hoàng hậu Nam Phương thời ở cữ.

Lý giải về cái tên Nam Phương dành cho Nguyễn Hữu Thị Lan, vua Bảo Đại có viết: "Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương để đặt danh hiệu cho nàng". 

Sau này, ông có nói thêm: "Tôi đã chọn tên trị vì cho bà Hoàng Hậu mới là Nam Phương. Nam Phương có nghĩa là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud) và tôi cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng – màu dành riêng cho Hoàng Đế".

Hoàng hậu Nam Phương trên một con tem
Hoàng hậu Nam Phương trên một con tem

Với nhan sắc "chim sa, cá lặn", hoàng hậu Nam Phương luôn trở thành nguồn đề tài bất tận cho những tay nhiếp ảnh hồi đó từ trong nước đến quốc tế. Có lẽ vì thế, ngày nay người ta còn lưu lại nhiều hình ảnh của bà.

Vẻ đẹp quý phái của Hoàng hậu Nam Phương.
Vẻ đẹp quý phái của Hoàng hậu Nam Phương.

 

Hình ảnh của hoàng hậu Nam Phương trên 2 con tem.
Hình ảnh của hoàng hậu Nam Phương trên 2 con tem.

 

Ngay cả sau khi có công chúa và hoàng tử, hoàng hậu Nam Phương vẫn giữ được nét đẹp vốn có của mình.
Ngay cả sau khi có công chúa và hoàng tử, hoàng hậu Nam Phương vẫn giữ được nét đẹp vốn có của mình.

 

Vẻ đẹp của bà mẹ 5 con.
Vẻ đẹp của bà mẹ 5 con.

 

Sở hữu vóc dáng cao ráo, Nam Phương hoàng hậu không hề kém cạnh khi đứng cùng nam nhân thời đó.
Sở hữu vóc dáng cao ráo, Nam Phương hoàng hậu không hề kém cạnh khi đứng cùng nam nhân thời đó.

 

Khuôn mặt tròn đầy, phúc hậu của Nam Phương Hoàng hậu.
Khuôn mặt tròn đầy, phúc hậu của Nam Phương Hoàng hậu.

Theo Trí Thức Trẻ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh