"Công trường Sáu"- "phù thủy" trên các bãi lửa

09:08, 02/08/2016

Ngày ấy, đồng đội thường gọi đội trưởng Đội phòng thủ của Tỉnh ủy Vĩnh Long Mai Hồng Thắng (Sáu Trắng) là "Công trường Sáu" khi nhắc đến biệt tài chế tạo và sửa chữa vũ khí thô sơ phục vụ chiến đấu của anh.

Ngày ấy, đồng đội thường gọi đội trưởng Đội phòng thủ của Tỉnh ủy Vĩnh Long Mai Hồng Thắng (Sáu Trắng) là “Công trường Sáu” khi nhắc đến biệt tài chế tạo và sửa chữa vũ khí thô sơ phục vụ chiến đấu của anh.

Đồng chí Sáu Trắng đang chế tạo một quả mìn gạt bằng đầu đạn cối trong Chiến dịch Đông Xuân 1972- 1973. Ảnh do đồng chí Nguyễn Ký Ức lưu giữ
Đồng chí Sáu Trắng đang chế tạo một quả mìn gạt bằng đầu đạn cối trong Chiến dịch Đông Xuân 1972- 1973. Ảnh do đồng chí Nguyễn Ký Ức lưu giữ

Cái duyên đến với “nghề”

Đang là đội trưởng Đội Trinh sát vũ trang của Công an tỉnh Vĩnh Long, năm 1969, Sáu Trắng bị thương trong một trận đánh nên được điều về phụ trách công trường của Công an tỉnh trong khi chờ đợi vết thương ổn định.

Lúc đó, mọi người đều gọi nơi sửa chữa súng đạn và sản xuất vũ khí thô sơ phục vụ chiến đấu của bất cứ cấp nào của ta cũng là “công trường”, vì vậy xuất xứ cái biệt danh “Công trường Sáu” của anh có từ đó.

Vốn là người ham học hỏi, về đây anh có thêm cái “nghề” tay trái là chế tạo vũ khí thô sơ và ngày một bén hơn. Nhờ vậy, khi anh được phân công về làm đội trưởng Đội Phòng thủ của Tỉnh ủy Vĩnh Long (giai đoạn 1972- 1975) thì ngón nghề này có cơ hội phát huy…

Đó là thời điểm Hiệp định Paris vừa ký xong, quân đội chính quyền Sài Gòn xua quân càn quét lấn đất giành dân với ta.

Dưới sự chỉ đạo của Khu ủy, quân dân toàn miền Tây Nam Bộ đã chống trả mãnh liệt. Tại tỉnh Vĩnh Long, 2 tiểu đoàn địa phương quân tập trung của tỉnh và các tiểu đoàn chủ lực của quân khu đang đứng chân trên địa bàn giáng cho địch những đòn quyết định, đã hỗ trợ tích cực cho các lực lượng địa phương bứt hàng, bứt rút nhiều đồn bót của địch trong các vùng sâu.

Ngày ấy, tại huyện Tam Bình, theo sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Năm Liệt (Nguyễn Ký Ức), một đơn vị chiến đấu phối hợp tại chỗ được thành lập theo chế độ hợp tan, trong đó Đội Phòng thủ Tỉnh ủy (có phiên hiệu C40) đóng vai trò làm nòng cốt trong chiến đấu và chỉ huy, số còn lại là cán bộ trẻ từ các ban ngành tỉnh, huyện cùng với một bộ phận du kích các xã, khi đi hợp quân súng của ai nấy mang theo.

Đơn vị này thường tập trung khoảng 60 tay súng, đông hay ít hơn, độc lập tác chiến hay phối hợp với các đơn vị bạn còn tùy từng công tác cụ thể.

Từ thực tế chiến đấu và học tập kinh nghiệm của các xã, họ có cách đánh mới rất hiệu quả trong bứt hàng, bứt rút các đồn bót: bằng “3 mũi giáp công” (chính trị, quân sự và binh vận) dựa vào hậu cần nhân dân với chiến thuật đào chiến hào, dựng pháo đài vây ép làm cho bọn địch trong đồn thối động và quan trọng là ngăn không cho địch can viện...

Có một thực tế là thời điểm đó lực lượng địch còn đông, khi can viện nếu không bị chiến trường chung căng kéo địch có thể huy động nhiều tiểu đoàn bảo an và quân của các phân chi khu, nên đánh bọn này trong điều kiện lực lượng ta không nhiều phải có cách đánh thích hợp.

Bằng sự nhạy bén của người chỉ huy và ngón nghề chế tạo vũ khí thô sơ sẵn có, Sáu Trắng đề xuất và được cấp trên chấp thuận lối đánh viện bằng chiến thuật phòng ngự dựa vào địa hình quen thuộc có hệ thống công sự và “bãi lửa” che chở các tay súng của ta.

Bãi lửa trước trận địa này được bố trí theo dự đoán hướng đi của địch có gài nhiều mìn, lựu đạn do ta tự chế tạo hay thu được của địch.

“Bãi lửa” thật đúng là… bãi lửa!

Để bãi lửa đúng như tên gọi, ngoài những công việc của người chỉ huy đơn vị, những ngày không vào các đợt công tác, Sáu Trắng để mắt nhiều đến kho vũ khí thô sơ được cung cấp và mày mò chế tạo thêm từ các đầu đạn lép của ta và của địch do người dân nhặt nhạnh khi đi lao động cung cấp.

Đối với Sáu Trắng, dù chưa được qua lớp huấn luyện bài bản nào, có trường hợp do “học lóm” mà biết thì việc thay hạt nổ cho các lựu đạn gài, mìn gạt đã là việc nguy hiểm, nên việc chế tạo các đầu đạn lớn bị lép thành mìn tại một đơn vị chiến đấu như C40 của anh trong điều kiện dụng cụ chỉ là các lưỡi cưa sắt, mỏ lết, kềm răng, đục sắt và búa… bửa củi thì chỉ người có tinh thần “thép” như anh mới dám làm. Vì vậy, để tránh nguy hiểm cho đồng đội anh phải chọn chỗ vắng mà thui thủi làm.

Nếu thay hạt nổ cho lựu đạn gài mỗi ngày khoảng 20 quả thì chế tạo trái mới chỉ được 3 hay 4 quả, có khi chế tạo một loại trái nổ khó như làm “trái lửa” từ thuốc pháo sáng để đốt đồn địch theo yêu cầu của trận đánh bứt rút hậu cứ An Hòa ở xã Ngãi Tứ phải mất mấy ngày…

Nhờ tinh thần tự lực đó, kho vũ khí thô sơ của đơn vị anh bao giờ cũng có sẵn hàng trăm món để tạo lực cho các bãi lửa.

Biết chế tạo trái nổ và cách đưa chúng vào đúng chỗ theo địa hình từng bãi lửa, của Sáu Trắng và đồng đội đã dần dần nâng lên tầm “nghệ thuật”, đã tạo ra bao nỗi kinh hoàng cho kẻ địch khi lọt vào “mê cung” lúc chúng đi can viện cho các đồn bị chính đơn vị anh vây ép.

Như trận bứt hàng đồn Bình Phú (xã Ngãi Tứ) vào tháng 1/1974 mà đơn vị anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Lần đó, đơn vị chỉ huy động trên 60 tay súng vừa làm nhiệm vụ vây ép đồn vừa ngăn bọn chi viện.

Ở hướng đánh bọn can viện do Sáu Trắng trực tiếp chỉ huy, nhờ dựa vào hệ thống công sự và bãi lửa, trong 3 ngày đêm đối mặt với địch có lúc lên đến 3 tiểu đoàn bảo an, đơn vị đã chặn đứng tổng cộng 13 đợt xung phong, loại khỏi vòng chiến đấu gần 200 tên địch, trong đó có gần chục tên chết phải bỏ thây tại bãi lửa và chúng phải nhờ người dân vào xin đơn vị gỡ trái nổ để họ lấy xác.

Trận này, ta thu 1 súng M79, 1 máy truyền tin PRC 25 và một số tiểu liên AR15. Còn thiệt hại về người của ta có con số nghe qua rất khó tin: chỉ một đồng chí hy sinh giữa các đợt đánh khi ra củng cố bãi lửa bị vướng trái nổ.

Ấn tượng nhất về hiệu quả của bãi lửa trong đánh địch can viện đã xuất hiện trong trận đánh vào cuối tháng 1/1974 khi địch huy động 2 tiểu đoàn bảo an sau đó tăng lên đến 4 tiểu đoàn là 466, 468, 469 và 520 mở đợt càn dài ngày quyết chiếm lại các vùng thuộc xã Ngãi Tứ vừa bị mất.

2 ngày đầu tại trận địa phòng ngự, đơn vị của Sáu Trắng dựa vào công sự và bãi lửa đã chặn đứng được địch ngay từ khi chúng đặt chân vào xã và giữ vững được trận địa.

Chiều tối ngày thứ hai của cuộc càn, khi địch buộc phải rút khỏi trận địa và cụm quân để chờ viện binh, quân ta tranh thủ củng cố lại bãi lửa và sửa sang lại các công sự bị pháo địch làm hư hại, thì giải mã được một thắc mắc là không hiểu vì sao trong các lần địch tập trung lực lượng xung phong vào trận địa phòng ngự của ta, lúc bị đánh bật ra chúng lùi lại chỉ khoảng 100m thì mất hút như biết độn thổ.

Thì ra tại đó có một hố bom cũ khá rộng đầy lục bình đã bị quần nát và có một cái rãnh nhỏ dẫn ra sông để bà con tháo nước bắt cá. Vậy là khi bị thất thế, địch dồn xuống đó để kháng cự rồi theo rãnh nước thoát khỏi trận địa.

Ngay tối hôm đó, Sáu Trắng cùng anh em đem một quả mìn gạt được làm bằng một quả B41 lép gài ngay giữa hố bom.

Đúng như dự đoán, sáng hôm sau bọn địch được tăng cường một tiểu đoàn theo hướng cũ, quyết đẩy quân ta ra khỏi địa bàn.

Khi bị ta đỡ ngực và thất thế, cũng như mấy lần trước chúng rút xuống trụ lại ở hố bom chống cự. Một tiếng nổ vang rền của quả mìn gạt khiến các mảnh thi thể quân địch và bùn đất trong hố bom bị hất tung lên phủ xám cả bụi tre gần đó.

Tiếng nổ này làm đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đang theo dõi trận đánh qua sóng bộ đàm của địch phải ngạc nhiên hỏi chiến sĩ trực máy của ta: “Nghe xem nó la lối ta bắn thứ gì mà làm chết và bị thương đến 24 tên! “Cuối cùng ý đồ chiếm lại vùng giải phóng xã Ngãi Tứ của địch bị chặn đứng sau khi bị đơn vị của Sáu Trắng diệt gọn một trung đội thám báo ém quân phục kích ta tại ấp Bình Phú.

Cũng tại đây, tài gài trái nổ của Sáu Trắng tại bãi lửa cũng được thể hiện: gài 11 trái đã nổ 10 trái, không biết có bao nhiêu tên địch bị thương vong nhưng lượng bông băng chúng để lại thì thật gớm ghê!

Cũng như trong đánh phòng ngự, dùng bãi lửa để cầm chân quân địch đi càn quét cũng được đơn vị của Sáu Trắng áp dụng rất nhuần nhuyễn.

Ngày 19/1/1975, từ nguồn tin của Tỉnh ủy, anh chỉ huy anh em bố trí 2 bãi lửa liên hoàn với gần trăm trái nổ lớn nhỏ trên lộ 16 quanh cầu Chòi Mòi (xã Mỹ Lộc, Tam Bình) và chỉ để lại 2 tổ làm nhiệm vụ đánh chặn một tiểu đoàn trinh sát của Sư đoàn 9 càn quét qua đây vào ngày hôm sau.

Và họ đã mưu trí lừa tiểu đoàn này lọt vào cả 2 bãi lửa và cầm chân làm chúng khốn đốn tại đó suốt 2 ngày 1 đêm.

Qua sóng bộ đàm kêu cứu của địch, ta nắm được tin có 48 tên vừa lính vừa quan, đã bị loại khỏi vòng chiến đấu mà chủ yếu chỉ bằng trái nổ.

HỒNG VÂN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh