Vào những ngày này, ngồi trên xe máy lướt nhẹ trên con đường đan rợp bóng cây của miền quê sông nước miền Tây Nam Bộ, tôi bắt gặp màu hoa hồng thắm dịu dàng, nở rộ trên những cây ô môi. Đứng ngẩn ngơ dưới cội ô môi ngắm nhìn màu hoa hồng pha sắc tím.
Vào những ngày này, ngồi trên xe máy lướt nhẹ trên con đường đan rợp bóng cây của miền quê sông nước miền Tây Nam Bộ, tôi bắt gặp màu hoa hồng thắm dịu dàng, nở rộ trên những cây ô môi. Đứng ngẩn ngơ dưới cội ô môi ngắm nhìn màu hoa hồng pha sắc tím. Rồi ký ức êm đềm chợt hiện về với những ngày vui đùa bên gốc ô môi, hay nhớ từng bó ô môi bày bán ở trước cổng trường...
Ngẩn ngơ nhìn cội ô môi, nhớ kỷ niệm ngày nào. Giờ cây ô môi dần mất, nhường chỗ cho cây trái hiệu quả hơn. |
Ngày trước, ở bến nước quê tôi có cây ô môi lớn lắm. Bọn trẻ chúng tôi cứ hay chơi đùa dưới gốc ô môi, đến lã mồ hôi thì cởi đồ nhào ra sông tắm. Cây ô môi so với chúng tôi thì bự lắm, cứ lâu lâu ba bốn đứa lại vòng nắm tay quanh thân cây coi thời gian trôi qua mình được bao lớn.
Và cũng nơi đây, hàng đêm dưới ánh trăng cũng là nơi hẹn hò, chờ đợi của những trai gái miệt vườn. Dần dần, gốc cây ô môi trở nên bóng nhẵn, ghi lại những chứng tích của sự tinh nghịch trẻ con, những cuộc hẹn hò của đôi trai gái. Từ những ký ức đó, tôi lục tìm được một bài thơ thật lãng mạn của tác giả Nam Mai:
Vòng hoa ô môi
Anh se kết vòng ô môi đỏ thắm,
Ngỡ hoa đào xứ lạnh của mộng mơ...
Hoa miền Tây chân chất vẻ ngây thơ,
Khoe sắc thắm như má hồng thiếu nữ !
Giấu trong tay cánh ô môi hé nở,
Giữ trong tim tình vừa gặp chóng phai....
Tình còn đây, rồi mai thoắt chia tay,
Ô môi đỏ có nhạt nhòa sắc thắm?!
Mai em đi rặng ô môi buồn lắm?!
Tuổi xuân tàn sắc hoa đỏ chẳng phai!
Vòng hoa ô môi, chút hẹn ước trúc mai...
Anh luôn nhớ mơ một ngày đoàn tụ!!
Đồng bằng Nam Bộ cây trái khắp bốn mùa, nhưng riêng cây ô môi chỉ đơm bông kết trái một lần vào giữa mùa xuân, nên nó được xem là cây đặc sản theo mùa. Khoảng đầu tháng Giêng, thời tiết còn mát mẻ là lúc cây ô môi đơm bông. Bông ô môi mọc thành từng chùm, cánh hoa giống như hoa vàng hạ, nhưng có màu hồng pha sắc tím giống như hoa đào miền Bắc, đẹp nên thơ và lãng mạn.
Mùa hoa ô môi thắm nhất, đẹp nhất vào khoảng tháng 3- tháng 4 âm lịch. Màu tím ngắt của ô môi đầy đặn mọi cành, tưởng chừng chỉ có hoa, không thấy lá. Mùa hoa kéo dài hàng tháng mới kết trái. Theo giải thích của một số người lớn tuổi thì “ô” là đen, “môi” là thịt, vì trái của nó đen từ vỏ ngoài cho đến phần cơm bên trong, có lẽ cái tên ô môi cũng được gọi từ đó.
Khi kết trái, trái ô môi màu xanh lục đong đưa, rồi dần lớn lên, dài ra như những chiếc gậy treo trên giá. Thoạt đầu, trái chỉ nhỏ như một trái đậu đũa cho đến một ngày cành cây lủng lẳng treo đầy những chiếc gậy đen, lớn cỡ cổ tay trẻ con, dài đến 5 hoặc 6 tấc, khua lộp cộp vào nhau trong mỗi cơn gió chướng.
Thế là ô môi khô. Đến khoảng Chạp, tháng Giêng thì trái mới chín và khô hẳn và cũng là lúc thu hoạch và cũng là một mùa bông ô môi nữa nối tiếp khoe sắc. Đến kỳ thu hoạch, người ta dùng sào tre dài khoảng 5m trên có gắn lưỡi hái giật cho trái rụng.
Vỏ trái ô môi có màu đen sậm, có gân nổi ôm tròn từng khía chạy dài từ đầu đến cuối giống như cây gậy đen dài, thô cứng cong cong. Ô môi già chín vừa hái xong có mùi khăn khẳn, chan chát. Trái thu hoạch về đem bỏ dưới nền nhà, càng lâu càng đậm đà hương vị, có thể để đến cả tháng trời.
Muốn ăn phải róc vỏ cứng hai bên đường gân của trái sẽ làm lộ ra những vách ngăn xếp đều tăm tắp, trên mỗi ngăn ấy là lớp mật nâu sánh, tráng đều, ở mỗi ngăn trong trái lại chứa một hột ô môi khô, vàng óng ánh, hình trái xoài, lớn cỡ cái nút áo. Rồi dùng tay ép hai bên đường gân qua lại cho nó xệu xạo dễ gỡ.
Khi nhai những vách ngăn cứng hơn cả bánh tráng chưa nướng, một vị ngọt hăng hắc và làm tím đen môi miệng. Nếu người nào mới ăn ô môi lần đầu tiên sẽ không cảm nhận được cái ngon của nó vì mùi vị ngòn ngọt nhưng hơi hăng hắc, cay nồng.
Còn đối với tuổi thơ chúng tôi đó là món quà dân dã mà chúng tôi rất ưa thích. Vừa xúm xít róc ô mô, rồi nhai rau ráu, mồ hôi nhễ nhại trên những khôn mặt trẻ thơ, tay bóc thịt ô môi dính chất nhựa đen nhẻm cứ quẹt đại những giọt mô hôi lăn chảy, mặt mày đứa nào đứa nấy cũng dính ít nhiều những vằn đen nâu, rồi cùng cười, lộ ra hàm răng đen xám rồi cười bò lăn bò lếch.
Hạt ô môi cứng ngắt nhưng cũng không thể bỏ, bọn tôi đem ngâm nước sôi khoảng vài ba tiếng đồng hồ, hạt nở ra, lột vỏ, bóc phần thịt trắng trong nhai vừa dai vừa giòn cũng vui lắm. Còn đối với người lớn thì lấy hạt nấu chè, ăn giòn giòn dẻo dẻo, ai cũng mê. Thịt ô môi, những người lớn tuổi đem ngâm rượu uống hàng ngày trị nhức mỏi.
Tôi không ngờ quả ô môi xấu xí, đen đúa như thế mà hoa của nó lại đẹp, quyến rũ vô cùng. Và cũng từ trái ô môi đen đúa ấy đã để lại cho tôi một kỷ niệm của tuổi thơ không bao giờ phai nhạt.
Thời gian trôi qua. Đã qua biết bao mùa ô môi rồi, tôi vẫn nhớ vẫn thương hoài loài cây gần gũi và thân quen ở bến sông. Đó là những ngày nắng ấm hay mưa rơi lất phất, gió vẫn rì rào làm cho bông rụng đầy. Thỉnh thoảng, một vài cánh lìa cành, nhẹ nhàng buông xuống bám vào những mái tóc ngây thơ, bạn bè cứ tha hồ tung hứng từng cánh hoa, vui chơi thoải mái.
Mỗi lần vào mùa ô môi trổ bông, lòng tôi ngây ngây như được sống lại với bao kỷ niệm của một thời. Tôi tha thiết ngắm nhìn, chụp ảnh và nâng niu từng cánh hoa dân dã mang nặng hồn quê. Rồi liên tưởng như văng vẳng đang nghe giọng hát của nghệ sĩ Tấn Tài- “Ông hoàng đĩa nhựa”- qua bài vọng cổ “Bên rặng ô môi”:
“Bông ô môi gió cuốn rụng đầy trên sông. Nhìn mây trời mênh mông. Kẻ ly hương nay đã quay về. Sao dạ não nề, hồi chuông buồn từ xa vắng đưa. Trong khói sương nghe tái tê lòng ta. Ngồi trên bờ nhìn hoa lá rơi. Cơn gió đưa theo nước sông buồn trôi...”.
Ngẩn ngơ nhìn cội ô môi, nhớ kỷ niệm ngày nào. Giờ cây ô môi dần mất, nhường chỗ cho cây trái hiệu quả hơn.
Bài, ảnh: NGUYÊN HẠNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin