Đại tướng Võ Nguyên Giáp "cứu" nhạc sĩ

07:03, 12/03/2016

Không chỉ có thiên tài quân sự, đại tướng còn là một giáo sư sử học, nhà chính trị, có tầm hiểu biết văn hóa sâu rộng, rất yêu mến văn nghệ sĩ.

Như chúng ta đều biết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tướng tài được xếp vào danh mục một trong hàng chục tướng lĩnh tên tuổi trên thế giới.

Không chỉ có thiên tài quân sự, đại tướng còn là một giáo sư sử học, nhà chính trị, có tầm hiểu biết văn hóa sâu rộng, rất yêu mến văn nghệ sĩ.

Một số văn nghệ sĩ nước ta ở độ tuổi “xưa nay hiếm” từng được tiếp xúc với Đại tướng đều coi ông là người thầy, người anh, người bạn thân thiết nên có rất nhiều chuyện cảm động. Sau đây là 2 mẩu chuyện nhỏ mà tình cảm lớn của đại tướng với 2 nhạc sĩ.

 “Tôi nhớ tác phẩm này có 4 chương, sao biểu diễn có 2?”

Nhạc sĩ Tô Hải- tên khai sinh Tô Đình Hải, sinh năm 1927, quê Tiền Hải (Thái Bình). Cách mạng Tháng Tám thành công, ông tham gia quân đội, theo học Trường Sĩ quan Lục quân miền Trung. Năm 1949, ông ra Bắc học Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam tại Việt Bắc.

Ông có năng khiếu âm nhạc và tự học. Ngày ấy, ở chiến khu thiếu thốn các phương tiện, phim ảnh, sách báo, nên sau giờ huấn luyện, ngày nghỉ không có gì để xem, nghe đọc… Thế là ông nảy ra ý viết bài hát “tự biên, tự diễn” cho vui, rồi hát tếu táo cùng đồng đội.

Bài hát đầu tiên của ông là “Trường lục quân đang cần lính đánh Tây” (năm 1949) tiếp đến là bài “Thầy tu giết giặc” (1950). 2 tác phẩm này sau này mới được thu băng, chép lại- khi được nghe ca sĩ Quang Hưng, Bắc Việt hát vào năm 2002, nhân kỷ niệm lần thứ 75 ngày sinh nhật nhạc sĩ.

Đêm nhạc mừng thọ nhạc sĩ lần ấy do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Cựu binh Trường Sĩ quan Lục quân khóa 5 và khóa 6 tổ chức tại Hà Nội. Năm 1954, nhạc sĩ Tô Hải được điều vào công tác gần vĩ tuyến 17, phụ trách Trưởng Đoàn Văn công Quân khu 4…

Từ đây, ông dẫn đoàn đi biểu diễn ở nhiều vùng biên giới Việt- Lào, tiếp cận các chiến sĩ biên phòng, với bà con dân tộc thiểu số. Núi rừng tươi đẹp, suối reo, ngựa hí đã tạo cho ông nguồn cảm hứng viết về vùng biên cương Tổ quốc. Đề tài này ông trăn trở suốt 4 năm trời, mãi tới năm 1958 mới hoàn thành bản giao hưởng mang tên “Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy”.

Tổng phổ gồm 4 chương, với phần hợp xướng nhiều bè. Tháng 12/1959, nhân kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, các Đoàn văn công Tổng cục Chính trị quân khu Việt Bắc, Quân khu 3 đã biểu diễn.

Có đêm diễn còn được sự hướng dẫn của chuyên gia Triều Tiên và nghệ sĩ chỉ huy nhạc kèn Đinh Ngọc Liên thật hoành tráng. Khán thính giả nồng nhiệt tán thưởng, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Năm 1961, khi chuẩn bị cho liên hoan văn nghệ toàn quốc, lúc đưa vào chương trình để duyệt bản giao hưởng hợp xướng “Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy” thì chỉ có 2 chương. Lý do BTC đưa ra là chương 2 và 3 có tựa đề “Tiếng gọi của quê hương” là quá ủy mị, làm giảm sút ý chí chiến đấu của bộ đội, là lưu luyến quê hương, là bịn rịn chia tay người thân trước khi lên đường, v.v…

Do sự ấu trĩ tư duy lúc bấy giờ nên dàn hợp xướng Tổng cục chính trị chỉ sử dụng chương I và chương IV của tác phẩm. Trong đêm tổng duyệt lần này, có sự hiện diện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi xem, Đại tướng hỏi một đồng chí có trách nhiệm trong BTC: “Tôi nhớ tác phẩm này có 4 chương. Sao chỉ biểu diễn 2 chương?”

Sau khi được nghe đồng chí đó trình bày nguyên do, Đại tướng nói: “Tình yêu Tổ quốc của người lính được bắt nguồn từ tình cảm gia đình, từ tình yêu quê hương. Vì vậy không có vấn đề gì về tư tưởng”. Đại tướng đề nghị cho dàn dựng cả 4 chương đưa đi hội diễn văn nghệ toàn quốc.

Nhạc sĩ Tô Hải rất cảm động nói với đồng nghiệp “Tướng Giáp chính là người đã cứu sống tác phẩm này. Tôi mãi mãi không quên”.

Sau này bản giao hưởng “Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy” là dấu son đỏ ghi nhận một trong những tác phẩm âm nhạc được giải thưởng Nhà nước về văn hóa nghệ thuật của nhạc sĩ Tô Hải.

Lá thư tay của Võ Đại tướng cứu một bàn tay vàng

Khoảng năm 1988, nhạc sĩ Văn Cao (1923- 1995)- người nhạc sĩ tài hoa, người có bàn tay vàng viết nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó có “Tiến quân ca” (nay là “Quốc ca”).

Năm đó, Văn Cao bị căn bệnh lệch cột sống, rất đau đớn không đứng được, phải vào một bệnh viện Trung ương chữa hàng tuần cũng không tiến triển.

Biết tin này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đích thân đến bệnh viện thăm, liền gợi ý chuyển nhạc sĩ đến Viện 103- nơi có giáo sư bác sĩ quân y Lê Thế Trung đang làm Viện trưởng để chữa trị tốt hơn.

Trước tình cảm và sự quan tâm đặc biệt này của Đại tướng, nhạc sĩ Văn Cao cầm tay Đại tướng cung kính, cảm động hỏi: “Nhưng Viện 103 của bộ đội liệu có chữa cho tôi không? Vì tôi không thuộc tiêu chuẩn của quân đội”. Đại tướng trả lời: “Cụ yên tâm”.

Nói rồi, Đại tướng đã tận tình nói với cán bộ đi theo đưa giấy bút, viết ngay một thư tay gửi GS. Lê Thế Trung và chỉ đạo đưa nhạc sĩ Văn Cao vào Viện 103.

Tại đây, sau nửa tháng trời điều trị trực tiếp theo phương châm Đông- Tây y kết hợp của GS. Lê Thế Trung và các thầy thuốc ở Viện 103, Văn Cao không phải mổ. Ngày ra viện, nhạc sĩ Văn Cao rất phấn khởi: Đây là lần thứ 2, Văn Cao được GS. y học Lê Thế Trung điều trị.

Lần thứ nhất vào năm 1958, khi nhạc sĩ cùng đoàn văn nghệ sĩ lên Tây Bắc, đi thực tế cùng Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Tý. Lần ấy, trên đường đến Hát Lót (Sơn La) thì Văn Cao bị bục dạ dày, được đưa vào bệnh viện ở Tây Bắc. Lúc ấy thể trạng Văn Cao rất nguy kịch, BS Lê Thế Trung đang công tác ở đó, trực tiếp chủ trì ca mổ. Do cứu chữa kịp thời và chuyên môn giỏi nên nhạc sĩ đã thoát lưỡi hái tử thần.

Hôm ra Viện 103, Văn Cao đã tổ chức một đêm nhạc phục vụ cán bộ, bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện bằng cuộc “liên hoan” âm nhạc để tỏ lòng tri ân. Nhạc sĩ Văn Cao cảm thấy trẻ lại như mùa xuân. Ông coi mình vừa được cải tử hoàn sinh, nhìn cuộc sống, trời đất như mùa xuân đầu tiên. Và, ông đã viết một ca khúc vào cuối đời rất nổi tiếng là “Mùa xuân đầu tiên”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp- Đại tướng của dân, của văn nghệ sĩ và không của riêng ai là thế. Người sống mãi mãi trong tâm thế mọi người, mọi thế hệ.

25/2/2016

LÊ HỒNG BẢO UYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh