Rạch Dừa là con rạch nhỏ. Cuối rạch, xóm Dừa Nước quanh co, uốn khúc bởi những bụi dừa mọc dày ken, tràn ra dòng chảy. Cả xóm Dừa Nước chỉ có năm căn nhà. Trong xóm, không kể mấy đứa con nít, chỉ vỏn vẹn năm người đàn ông và một cậu thanh niên tuổi vừa hăm ba.
Rạch Dừa là con rạch nhỏ. Cuối rạch, xóm Dừa Nước quanh co, uốn khúc bởi những bụi dừa mọc dày ken, tràn ra dòng chảy. Cả xóm Dừa Nước chỉ có năm căn nhà. Trong xóm, không kể mấy đứa con nít, chỉ vỏn vẹn năm người đàn ông và một cậu thanh niên tuổi vừa hăm ba.
Ảnh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Buổi trưa, Hải ru con: “Ầu ơ… Ví dầu tình bậu muốn thôi, bậu gieo tiếng dữ… chớ bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra. Bậu ra bậu lấy quan Ba, ai cầm bậu lại… chớ ai cầm bậu lại quét nhà nấu… cơm”. Lời ru theo gió trôi trên con rạch loằng ngoằng làm mấy gã đàn ông xóm Dừa Nước nghe lòng oặn lại, đau như có ai đó đang rứt khúc ruột mình ra. Chiều, khói bếp vẫn dùng dằng trên mái lá, vẫn mấy người đàn ông ngồi dưới bến giặt đồ, rửa chén.
Người ta thường nói: “Trà tam, rượu tứ”. Nhưng ở xóm Dừa Nước, uống trà hay rượu gì cũng năm gã đàn ông. Thông thường thì chú Năm hay hú hí trước: “Tối nay có mồi bén, qua làm lai rai cho đỡ buồn tụi bây ơi!” Mồi bén là một dĩa ốc luộc chấm nước mắm cay, có khi là cua đồng rang muối hoặc mấy con khô sặt trộn xoài sống,... Bao nhiêu đó cũng đủ say. Say để quên hết sự đời. Say để quên cuộc sống tẻ nhạt, quanh mình chỉ toàn là đàn ông.
Trăng mười bảy êm đềm treo trên đọt dừa nước, buông những sợi vàng nhạt, mỏng tang xuống con rạch nhỏ. Không gió. Mặt nước yên lặng. Đám lục bình im phắc như đang đánh một giấc ngủ dài. Nếu cà bắp không thoảng hương nhè nhẹ, nếu không có năm gã đàn ông đang ngồi giải sầu bên ly rượu thì lắm khi người ta nghĩ đây chỉ là một bức tranh. Và nếu năm con người kia cứ ngồi im, không nói, không cười thì chẳng khác gì năm pho tượng bằng đá. Năm pho tượng có khuôn mặt khác nhau nhưng đều nhìn về một hướng xa xăm như đang ngóng chờ một điều gì đó trong vô vọng.
Chú Năm uống hết ly rượu rồi bần thần tặc lưỡi theo thói quen:
- Chà, lẩm rẩm mà bả đã bỏ cha con tui gần hai mươi năm rồi. Mới đó mà mau thiệt! Hồi bả đi, thằng Quân còn khờ ịch hà. Mới năm tuổi, nó đâu hiểu được nỗi đau khi mất đi một người thân vĩnh viễn.
Lời than buông xuống như một tiếng thở dài khiến bốn người đàn ông ngồi cùng ngán ngẩm, ngước nhìn những làn khói thuốc đang vo tròn rồi tan dần trong ánh trăng. Cũng chính nơi này, ngay trên manh chiếu này, họ đã nghe chú Năm ngồi than như vậy không chỉ một lần. Và lần nào họ cũng nghe nặng trong lòng như thể chính mình đang đau, đang xót.
Tư Ngô rít thêm hơi thuốc, tay xoa xoa hàm râu chắc có trên nửa tháng rồi không cạo:
- Cái ông già Năm này, khi không lại nhắc chi chuyện buồn. Buồn thì ai cũng buồn. Chỉ tội cho thằng Hải, mới hai mươi tám tuổi mà phải nách hai đứa con nhỏ xíu…
Nghe nhắc, Hải bưng ly rượu ực một hơi. Biết Hải không được vui, Tư Ngô liền đánh lảng: “Nè, cho mầy miếng khô cá lóc. Ăn đi để lòng bớt cay, bớt đắng!” Hải nhếch môi cười nhạt: “Bớt cay, bớt đắng à? Chỉ thấy sống hoài kiểu này… nghe nhục lắm anh Tư ơi. Chẳng thà cực, cực như con trâu em cũng hổng sợ. Đằng này…” Hải tặc lưỡi, lại rót thêm một ly rồi uống cạn: “Hồi chiều, vợ em có điện thoại từ Sài Gòn về, nói gởi tiền cho hai đứa nhỏ. Em giận quá biểu đừng gởi gì hết. Con em, em nuôi được. Từ rày, tụi nó không cần người mẹ như vậy đâu”.
Năm người đàn ông im lặng, nghe tiếng con cá đớp mồi trong bẹ dừa nước thiệt buồn. Không chỉ đêm nay, những lúc cô độc, họ thường uống rượu với nhau cho tới khuya, cho tới độ đất trời muốn lăn quay, để quên, nhưng nỗi buồn cứ ôm riết lấy mà giày vò. Người đời thường bảo: “Uống rượu giải sầu”, “Uống rượu cho quên”. Thật ra khi uống rượu là lúc con người dễ nhớ nhất. Men rượu gợi ta nhớ và có thể sẽ tuôn ra như nước lũ những chuyện đang cố quên hay muốn giữ kín trong lòng. Cũng như Tư Ngô, có lần rượu vào, anh chửi đời. Đời có gì sai? Anh quay qua trách bà vợ. Mà, không biết trách như vậy lòng anh có bớt đau, bớt xót hay không? Chỉ biết rằng tối đó anh nằm ôm thằng con út, nó ngủ mà anh thì hai con mắt cứ trõm lơ.
Và bây giờ, nghe những câu nói giận của Hải, Tư Ngô cũng chực nhớ tới chuyện mình rồi nhằn:
- Ai đời, đã trên bốn mươi tuổi rồi mà còn bày đặt bắt chước tụi trẻ lên Sài Gòn tìm việc làm. Tưởng công lên việc xuống gì cho cam, đi giúp việc nhà, làm Ôsin cho thiên hạ.
Tư Ngô đang mượn men rượu để trút nỗi ấm ức trong lòng. Miệng thì trách nhưng bụng vốn yếu mềm nên mắt Tư Ngô chợt ầng ậng như đang rịn nước. Là người từng trải, chú Năm hiểu hết. Chú khuyên:
- Thôi, bỏ qua đi! Con Tư đi làm cũng đâu có gì xấu.
- Đành vậy, nhưng tại sao bả lại đang tâm bỏ chồng con ở quê mà đi. Cực chẳng đã người ta phải xa xứ vì chén cơm manh áo, còn cái gia đình này, tuy cực mà… cơm vẫn ngày hai buổi. Thiệt tình, con không sao hiểu nổi đàn bà thời nay nghĩ gì - Tư Ngô thở dài, ngao ngán.
Sơn nháy mắt với Mạnh rồi day qua Tư Ngô, cười:
- Nhớ vợ rồi phải hôn, anh Tư? Để tối mai, tụi này rước về một em… cho đỡ buồn, hén?
Thấy Tư Ngô im lặng, Sơn hứng chí hò ghẹo: “Hò ơi... Gió đưa con buồn ngủ lên bờ. Mùng ai có trống… chớ mùng ai có trống xin cho ngủ nhờ một… đêm”.
Mạnh ôm bụng cười ngất: “Lâu rồi mới nghe mầy hò, đã thiệt!” Nghe khen, Sơn cao hứng định tiếp thêm một bài nữa cho đủ đôi thì Tư Ngô đổ quạu:
- Im mầy đi!
Định chọc ghẹo cho đỡ buồn, ai dè… Sơn mất hứng, im thít. Tư Ngô chưa nguôi cơn giận nên làu bàu:
- Còn hai thằng bây nữa, chuyện mình mà hổng lo, để hai con vợ trẻ, đẹp đi nước ngoài hợp tác lao động. Ừ, để coi, mơi mốt tụi nó mê tiền, lấy chồng Tây, rồi ở đó ngồi khóc.
Mạnh chống chế:
- Mấy bả muốn đi, mình cản được không? Cũng như chị Tư vậy, anh có giỏi thì cản tụi em coi.
Sợ tụi nhỏ tranh luận rồi đâm ra cãi nhau, chú Năm can:
- Thôi thôi, không bàn chuyện vợ con nữa. Ở xóm này, đàn ông đều có nỗi khổ riêng. Còn chuyện vợ chồng, tụi bây chưa gặp cảnh sinh ly tử biệt thì chưa thấm hết nỗi buồn đâu.
Chú Năm lại đem chuyện mình ra để nhắc. Cũng lạ, không riêng chú Năm, đàn ông xóm Dừa Nước có thói quen là hễ nhậu vô “ba hột” thì cứ đem những chuyện buồn hồi năm nẳm năm nào ra để nhắc.
*
* *
Một ngày đẹp trời, đàn ông xóm Dừa Nước bỗng trở thành những con người khác hẳn. Tư Ngô cạo nhẵn hàm râu đã lâu rồi anh cứ để mặc nó lởm chởm như đám cỏ bắc. Hải qua phụ chú Năm bẻ một buồng dừa xiêm rồi về nhà thay bộ đồ mới. Hôm qua, Sơn và Mạnh rủ nhau ra tiệm hớt lại mái tóc,… Người vui nhất là chú Năm. Chú ra cửa lóng ngóng, chờ thằng con trai.
Tư Ngô từ nhà bước qua. Đến sân, thấy chú Năm cứ đi tới, đi lui, luýnh quýnh như thể chàng thanh niên mười bảy lần đầu biết hò hẹn. Anh cẩn thận sửa lại nếp áo, tằng hắng một tiếng lớn rồi cười tủm tỉm:
- Chú Năm đừng sốt ruột, chút nữa là gặp mặt con dâu tương lai rồi. Thằng Quân coi vậy mà tài thiệt! Không rượu, không thuốc, ít nói vậy mà nó lại quen được con nhỏ coi được gái ghê! Đúng là lù đù vác lu chạy.
Chú Năm cười bằng ánh mắt rất vui:
- Tui cũng bất ngờ thiệt. Hồi nào tới giờ có nghe nó nói chuyện “ghệ gộc” gì đâu. Đùng một cái, đòi dắt con gái người ta về giới thiệu. Không biết con nhỏ ăn nói ra sao, tánh tình thế nào, chớ hôm bữa thằng Quân đem hình về khoe là tui thấy ưng ý rồi.
Hải phụ họa theo:
- Hai đứa thương nhau, coi được thì bác Năm bước tới hỏi cưới liền cho thằng Quân luôn đi. Bác có cháu ẵm bồng, hủ hỉ. Còn con, bữa nào đi ruộng về trễ, nhờ dâu bác cơm nước, tắm rửa dùm hai đứa nhỏ luôn thể.
- Í dà, chưa chi mà tính chuyện lợi dụng để nhờ vả rồi!- Tư Ngô ghẹo- Nhưng đó lại là ý kiến hay. Nói hay có thưởng! Bây giờ mà có rượu là tao thưởng liền cho mầy một ly, Hải ha?
Năm người đàn ông phá lên cười. Lâu rồi mới nghe đàn ông xóm Dừa Nước có nụ cười trọn vẹn, lâu rồi mới thấy họ ăn mặc chỉn chu. Cũng phải! Thường ngày, họ có ăn mặc lôi thôi cũng không ai chê, ai nhắc, có diện cho đẹp cũng chẳng ai nhìn. Bây giờ, chỉ một cô gái trẻ thôi lại khiến cho đàn ông xóm Dừa Nước đẹp ra, yêu đời hơn. Họ chúc mừng thằng Quân, san sẻ niềm vui với chú Năm như thể chính mình đang hưởng niềm hạnh phúc.
Như có một phép nhiệm mầu, từ ngày có cô gái trẻ ghé qua thì năm người đàn ông xóm Dừa Nước đều có những giấc mơ đẹp.
Chú Năm thấy mình trong quá khứ, hồi mới quen thím. Lúc ấy, hai người đều là dân cắt lúa mướn, gặp nhau trên đồng, yêu nhau rồi xin phép ba má cho nên nghĩa vợ chồng. Nhưng cha già con mọn, mãi đến năm bốn mươi mốt tuổi, thím mới mang bầu thằng Quân. Hồi đó, nhà còn ở đầu vàm Cái Cau, chú Năm đem tin vui râm ran khoe khắp cả đầu vàm cuối ngọn.
Tư Ngô mơ thấy vợ trở về. Sáng, chồng ra đồng, vợ ở nhà trông con, chờ chồng về bên nồi cơm gạo mới. Chiều, vợ ngồi dưới bến rửa chén, nhằn: “Cái ông này, râu ria sao hổng cạo gì hết trơn, nhìn y chang ông già!” Được vợ nhắc, Tư Ngô nghe sướng trong bụng, cười: “Má thằng Hiển cứ chê tui hoài. Bà hổng nhớ gì hết, hồi nào tới giờ tui đâu cần chưng diện. Vậy mà vẫn phong độ! Đẹp tự nhiên luôn!” Bà vợ che miệng cười theo: “Ụa, người gì đâu mà tự tin thấy ớn!”
Hải cũng mơ. Trong chiêm bao, anh thấy vợ không phấn son lòe loẹt, mặc đúng cái áo mà mẹ anh đã cho con dâu trong ngày cưới. Vợ Hải ôm hai đứa con vào lòng, nói với chồng câu xin lỗi: “Bây giờ em mới biết không nơi đâu bằng quê mình, có chồng, có hai con, có ngôi nhà thật sự là của chúng ta…”. Mạnh và Sơn cũng vậy, cả hai anh đều có những giấc mơ đẹp cho riêng mình.
*
* *
Quân lấy đà, phóng cái rột qua mương ranh. Thấy năm người đàn ông đang uống rượu, Quân đến bên, ngồi bệt xuống manh chiếu:
- Ba ơi, tối nay cho con nhậu với mấy anh, nghen?
- Nhậu? - chú Năm nhìn thằng con, chưng hửng.
- Chú Năm, gật đầu đi! Năm nay thằng Quân lớn bộn rồi, mơi mốt nó lấy vợ cũng phải biết lai rai với người ta chớ- rồi không đợi chú Năm đồng ý, Tư Ngô rót một ly - Nè, uống đi! Mà… Ủa, tối nay mầy đi chơi với bạn gái về sao quần dài cột ngang lưng, áo sống thì xộc xệch quá vậy? Chà, coi bộ tụi mầy “Ăn cơm trước kẻng” rồi. Đúng hôn? Thanh niên thời nay thiệt là…
Sơn vỗ vỗ vào vai Quân, nói bằng cái giọng ngưỡng mộ:
- Thằng này coi vậy mà giỏi! Anh mầy hồi đó nhát gái lắm. Hễ mỗi lần ngồi bên người yêu, tính làm cái chuyện… bậy bạ là tao run, hổng hiểu sao cứ run bần bật như cây cột đáy dưới sông hà!
Chú Năm nhìn thằng con: Chà, đúng là năm nay thằng nhỏ lớn bộn lại ra dáng thanh niên lắm. Mới đó mà mau, mau thiệt! Nhớ hồi nào nó còn chạy lon ton theo chú ra đồng, đầu đội cái nón rơm rộng vành, ưa nheo nheo con mắt, thấy cưng lắm. Năm lên sáu là nó đã biết ôm bập dừa nước đập chập chũm dưới rạch. Chú chạy theo bên bờ nhắc: “Tập lội gì để cái đít chìm nghỉm vậy con?” Vậy mà chỉ mấy tháng sau nó biết lội. Chú nghe mừng, con nít ở vườn biết lội là kể như an tâm.
Quân nốc một hơi, cạn ly rồi ôm chai rót thêm ly nữa:
- Giỏi gì mà giỏi! Vài bữa nữa người ta lấy chồng mất tiêu rồi.
Năm người đàn ông tròn mắt. Tư Ngô sửng sốt:
- Trời đất! Sao kỳ vậy, Quân? Anh thấy hai đứa mầy xứng đôi lắm mà. Con nhỏ đẹp gái, ăn nói thiệt tình, coi bộ hiền lắm. Chắc… tại mầy lừng chừng, không đánh tiếng trước chớ gì? Cái thằng thiệt tệ! Con gái có thì, ai mà chờ, mà đợi mầy hoài được.
Thấy Quân im lặng, anh quay qua chú Năm, thúc:
- Sáng mai, chú cháu mình biểu thằng Quân dắt tới nhà gái… biết đâu còn kịp.
Quân lại uống cạn ly, nói mà con mắt đỏ hoe, mặt mày thì bí xị:
- Đúng là tụi em thương nhau thiệt lòng. Nhưng… ba má người ta ép gả, gả người ta cho thằng cha Đài Loan, già lắm…
Tư Ngô buông thõng hai tay xuống chiếu, thất vọng:
- Ừ, già! Nhưng người ta xài tiền đô…
Thằng Quân buồn tình uống một lượt hết ba, bốn ly rượu rồi chệnh choạng bước tới gốc mận, nằm co trên chiếc võng. Trời lúc này đang trở gió. Bấc non đã về, chòng chành trên đọt dừa nước như hối thúc thanh niên nam nữ mau lấy vợ, lấy chồng. Bấc non thổi khiến dạ mấy gã đàn ông như se, như thắt.
Từ hôm đó, xóm Dừa Nước, năm căn nhà, tụi con nít khóc đòi ăn, đòi ngủ chỉ biết gọi hai tiếng “Ba ơi!”
NGUYỄN LINH (TX Bình Minh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin