Từ ngày 18/4/1978, quân Pol Pot đã đánh chiếm nhiều điểm trên biên giới Tây Nam của ta. Chúng đi đến đâu đều tàn sát đồng bào ta, cướp bóc, đốt phá sạch nhà cửa của dân…
*Viết theo lời kể của anh Phạm Văn Chệt (Năm Chệt)
Từ ngày 18/4/1978, quân Pol Pot đã đánh chiếm nhiều điểm trên biên giới Tây Nam của ta. Chúng đi đến đâu đều tàn sát đồng bào ta, cướp bóc, đốt phá sạch nhà cửa của dân…
Cảnh chết chóc đau thương của người dân vô tội ở Ba Chúc. Ảnh chụp từ ảnh tư liệu: TRUNG NGÔN |
Tiểu đoàn 312 (Trung đoàn 3, Sư đoàn 330) được điều đi đánh địch tại Kinh Năm Xã, quần nhau với địch mấy ngày đêm mới đẩy lùi được chúng về bên kia biên giới. Đơn vị được điều về Đồng Cô Ky tiếp tục đánh nhau với địch mấy ngày đêm.
Khi đẩy lùi được địch, Tiểu đoàn 312 mới về địa bàn Bảy Núi, đóng quân tại núi Cô Mười. Đóng quân xong lúc 3 giờ sáng thì 7 giờ sáng Năm Chệt được lệnh của anh Trương Minh Thông (Năm Thông)- Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330 gọi lên nhận nhiệm mới. Năm Chệt lúc đó là Tiểu đoàn phó Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 312.
Sư đoàn trưởng hỏi: “Quân số còn bao nhiêu?” Năm Chệt trả lời: “Còn khoảng 200 quân”. Sư đoàn trưởng nói: “Trong lúc đơn vị đi đánh nơi khác thì bọn Pol Pot đã đánh chiếm Ba Chúc, tàn sát mấy ngàn dân… Lực lượng của chúng là 1 trung đoàn tăng cường. Hiện chúng đang chiếm núi Tượng, lực lượng khoảng trên 1 tiểu đoàn. Hàng ngày, chúng lùng sục tìm giết dân ta đang trốn trên núi. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn 312 là đánh đuổi quân địch về bên kia biên giới, cứu số dân còn mắc kẹt trên núi Tượng. Ngay chiều nay, Sư đoàn cho xe đưa Tiểu đoàn 312 xuống Lương Phi, các đồng chí khẩn trương điều nghiên, tối mai đưa quân chiếm lĩnh vị trí, sáng mốt đánh”.
Năm Chật xin thêm quân thì Sư đoàn trưởng nói đơn vị nào cũng kẹt địa bàn, chỉ cho tăng cường 2 khẩu trọng liên 37 li và 2 khẩu pháo 85 nòng dài. Sư đoàn trưởng phân công đồng chí Lê Trung Trực (Sáu Trực)- Trung đoàn phó Trung đoàn 3 xuống Lương Phi, đồng chí Trần Văn Long (Năm Long)- Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 3 đi cùng Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 312 trực tiếp chỉ huy trận đánh.
Nhận lệnh xong, Năm Chệt lập tức về đơn vị làm công tác tổ chức, mời Năm Trẩm- Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn; Quang Nheo- Đại đội trưởng, Tám Tâm- Chính trị viên Đại đội 5 (C60); Năm Triệu- Đại đội trưởng Đại đội 6 (C62); Tư Đen- Đại đội trưởng Đại đội 7 (C64); Đại đội 8 (C66) pháo trợ chiến và Trung đội Trinh sát Tiểu đoàn lên quán triệt nhiệm vụ. Ai nấy đều sôi sục căm thù, quyết đánh để trừng trị bọn xâm lược và giải cứu cho đồng bào mình.
Khi hành quân xuống đến điểm tập kết cuối cùng tại Lương Phi, tôi đang ngồi cùng các lãnh đạo Tiểu đoàn, Đại đội xem lại sơ đồ núi Tượng thì có mấy người dân từ trong núi đi ra. Một anh trung niên đầu bới tóc củ tỏi, mặc áo bà ba trắng, thấy bộ đội thì sáp lại gần báo: “Tui hồi hôm lên núi Tượng, trên đó bà con mình còn kẹt lại nhiều lắm, đang chờ bộ đội mình lên cứu”.
Năm Chệt hỏi: “Anh tên gì, việc lên núi ra sao?” Anh trả lời: “Tôi tên Phan Văn Bá (Ba Bá), 33 tuổi, ở chế độ cũ tui là lính nghĩa quân. Sau giải phóng, đi cải tạo 7 ngày. Hiện nay làm dân, nhà ở núi Tượng. Vợ con tui đã tản cư về Cần Thơ, nhưng cha mẹ và em gái còn kẹt lại. Tui nóng ruột quá nên liều mạng lên núi đi tìm. Nghe nói cha tui bị giặc giết chiều hôm qua, còn mẹ và em gái tui không biết sống chết thế nào. Ngày nào bọn giặc cũng lùng sục tìm giết dân mình. Bà con mình ban ngày chun vô hang lấy xác những người chết lấp miệng hang che mắt địch, ban đêm mò ra lấy nước uống, nhổ khoai mì ăn cầm hơi, đang mỏi mòn chờ bộ đội đến cứu. Tui hồi hôm dẫn xuống được hơn 30 người, số bà con mình còn kẹt trên núi đông lắm, bộ đội mình về đây có đánh bọn chúng không?”
Năm Chệt hỏi: “Sao anh không dẫn hết bà con mình xuống?” Ba Bá trả lời: “Tui chỉ dẫn những người mạnh, còn người yếu tui không dám dẫn xuống vì giặc đóng tràn lan trên núi nên sợ lộ”. Năm Chệt nói: “Chúng tôi về đây là để đánh địch, giải cứu cho đồng bào mình, anh dám dẫn đường cho chúng tôi lên núi không?”
Ba Bá suy nghĩ một lúc rồi gật đầu đồng ý, anh đề nghị được trang bị 1 khẩu súng AK. Năm Chệt đồng ý. Có người dẫn đường thật quá thuận lợi, Ban chỉ huy Tiểu đoàn và các Đại đội bàn thống nhất ngay đêm đó đưa quân lên núi, sáng mai sẽ nổ súng. Năm Chệt báo cáo với anh Năm Long và anh xin ý kiến Sư đoàn trưởng xin rút ngắn thời gian nổ súng 1 ngày và được chấp thuận. Anh em tôi mừng vui khôn xiết, vì đánh sớm hơn một ngày sẽ cứu được rất nhiều người dân.
7 giờ tối đêm đó (30/4/1978), đơn vị xuất phát đưa quân. Đại đội 6 của Năm Triệu và Trung đội Trinh sát sẽ đánh đối diện với địch dưới chân núi (từ Lương Phi đánh thẳng vào chân núi Tượng). Năm Trẩm- Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn chỉ huy chung. Năm Chệt chỉ huy Đại đội 5 và Đại đội 7 luồn lên đỉnh núi đánh xuống.
Khi hành quân tiềm nhập từ Lương Phi qua núi Nước để lên núi Tượng thì ngửi thấy mùi xác người phân hủy nồng nặc. Khi lên núi Tượng, mùi tử khí cũng nồng nặc.
Khoảng 9 giờ đêm, Năm Chệt đang đi lên thì đạp trúng một cành cây khô. Cành gãy nghe cái rắc nho nhỏ, vậy mà một con chó của giặc trong nhà gần đó nhảy ra sủa nồ. Năm Chệt vội nằm ép người vào thành công sự của chúng đào, 2 tên lính Pol Pot chạy ra đứng cách tôi chừng vài mét, soi đèn pin loang loáng. Năm Chệt nghe tiếng mở khóa AK cái cắc (mở fal), tiếp đến là tiếng mở khóa thứ hai (mở cú), lạnh cả sống lưng. Không thấy gì, chúng bắn hú họa 3 phát, đất đá văng phủ đầu Năm Chệt.
Con chó nghe tiếng súng thì chạy mất. Con chó này chúng dẫn theo để đánh hơi săn tìm đồng bào ta. Chúng nọt nẹt một hồi rồi đi vào nhà. Năm Chệt tiếp tục lên đỉnh núi, tới vị trí chỉ huy, trong lúc đi tới đi lui quan sát thì bị trượt chân xuống khe núi đầy cỏ và dây leo, bị đá cọ trúng ba sườn đau điếng! Năm Chệt cho bộ đội chiếm các điểm cao trên đỉnh núi, xong nằm chờ sáng để nổ súng.
Đêm ấy trăng non, trên đỉnh núi tỏa hơi lạnh. Năm Chệt đưa chiếc khăn dù cho anh Bá choàng qua người cho đỡ lạnh. Mùi hôi thối của xác người tỏa lên nồng nặc. Trời mờ sáng, thấy có ngôi chùa nhỏ trước mặt, Năm Chệt quan sát thấy có dáng ngồi giống như tượng Phật bỗng đứng dậy đi ra ngoài, thì ra đó là tên lính Pol Pot. Năm Chệt dặn Tám Tâm khi nổ súng phải đánh phủ đầu bọn này.
Chỗ trận địa Đại đội 6 của Năm Triệu, mới mờ sáng bọn giặc từ Ba Chúc đã mò sang. Năm Triệu được lệnh bắn lẻ tẻ như du kích chống càn chớ không được nổ súng đồng loạt, ém quân chờ lệnh. Khoảng 7 giờ sáng 1/5/1978, Năm Chệt thấy một tốp đông chừng 200- 300 người từ Campuchia kéo sang, Năm Chệt bỏ ống dòm nhìn kỹ thấy giữa 2 chân đi không có khoảng sáng, vậy là mặc xà rông chớ không phải mặc quần. Như vậy đó là đàn bà kéo qua hôi của chớ không phải lính Pol Pot.
Khoảng gần 8 giờ sáng, Trung đoàn ra lệnh nổ súng, pháo 85 và 37 li khai hỏa, Năm Chệt cho 2 đại đội trên đỉnh núi dùng súng AK, lựu đạn, B40 đánh phủ đầu bọn giặc trên đỉnh núi. Bị đánh bất ngờ từ trên xuống, chúng lớp chết, lớp tháo chạy tán loạn, có nhiều tên chạy dưới khe núi ngang chỗ Năm Chệt, Năm Chệt dùng K54 bắn hạ 6- 7 tên.
Anh Bá cũng bắn hạ được một tên, thu được 1 khẩu AK bá xếp. Chỉ trong khoảng 20 phút, đơn vị thu được gần 200 khẩu súng, trong đó có 6 khẩu cối 62 li và hàng trăm trái đạn. Mũi tấn công của Đại đội 6 xuất kích đánh mạnh và xung phong qua chiếm được chân núi Tượng, đánh tạt sườn bọn địch. Năm Chệt để lại mấy tổ giữ chốt, số còn lại chia thành nhiều mũi từ trên đỉnh núi Tượng đánh xuống.
Năm Chệt cho dùng pháo cối 62 thu được của địch bắn mạnh vào bọn địch ở chân núi và tiến quân đến đâu thì quăng trái màu làm hiệu cho pháo ta không bắn nhầm. Đến khoảng 9 giờ sáng, bọn giặc phải bỏ núi Tượng chạy vắt giò lên cổ về phía Lạc Quới qua kinh Vĩnh Tế về Campuchia. Chúng chạy đông có bầy ước chừng 500- 600 tên. Năm Chệt ra lệnh cho bộ đội dùng pháo cối 62 bắn hơn trăm quả đạn vào tốp lính địch đang tháo chạy. Pháo 105 li của Sư đoàn cũng bắn mạnh vào bọn này.
Tiểu đoàn đuổi theo hơn 200m truy kích. Một thằng giặc mang xắc cốt chạy lệch bệch phía sau bị quân ta bắn hạ, Năm Chệt chạy tới thu được xắc cốt đựng bản đồ, địa bàn, tài liệu tiếng Khmer và 1 khẩu súng K54. Lúc đó pháo 105 ly từ Campuchia bắn sang nên Năm Chệt ra lệnh thu quân. Trên đường thu quân, Năm Chệt nhìn thấy mình đã đi qua nhiều đống xác người dân mình.
Sau trận đánh, Năm Chệt nhìn kỹ thấy dân mình bị chúng giết đủ kiểu: chặt đầu, đập đầu, mổ bụng… xác phụ nữ đều trần truồng, rất nhiều xác phụ nữ bị chúng dùng tầm vông đâm từ cửa mình xuyên lên bụng. Nhiều em nhỏ bị chúng xé xác thành 2 mảnh, có xác em nhỏ bị tầm vông đâm từ miệng ra sau gáy (từ 18- 30/4/1978, bọn Pol Pot đã thảm sát 3.157 người dân Ba Chúc). Thật là lũ dã man! Anh em bộ đội uất nghẹn căm thù, không ai cầm được nước mắt!
Đơn vị cho anh em bộ đội lên núi phát loa kêu bà con xuống. Chừng một tiếng đồng hồ sau, có mấy trăm dân từ trên núi kéo xuống. Mùi tử thi còn vương trên người bà con, rất rõ. Một cô con gái cõng bà già cụt 2 chân, bà già đã mệt lã vì đói khát.
Năm Chệt vội đưa bình toong nước cho bà uống. Một lúc sau tỉnh táo lại, bà già nói: “Hồi hôm, có người trượt chân xuống khe đá, chút nữa thì đạp trúng đầu tui. Lúc đó tui đâu biết là ai nên nằm im không dám lên tiếng”. Năm Chệt cười, nói: “Con té đó bà ơi”. Bà già nói: “Sinh tui ra là cha mẹ, cứu sống tui là bộ đội Cụ Hồ!”
Trận đánh này Tiểu đoàn 312 diệt trên 200 tên lính Pol Pot, Đại đội 5 bắt được 1 tù binh, đuổi lũ giặc man rợ về bên kia biên giới, giải cứu hàng trăm người dân. Đại đội 6 hy sinh 1 đồng chí, 3 đồng chí bị thương. Sau trận đánh, Năm Chệt giã từ anh Bá, tặng anh khẩu súng AK bá xếp để anh về tham gia với lực lượng quân sự địa phương gìn giữ quê nhà.
Anh ngân ngấn nước mắt nhìn anh em bộ đội, mở ví ra lấy tấm ảnh của người em gái đưa cho Năm Chệt và nói: “Đây là em gái tôi, nó chưa chồng. Bộ đội mình ai thích nó thì anh Năm làm mai dùm”. Và anh Bá ghi địa chỉ nhà anh cho Năm Chệt.
3 ngày sau, Năm Chệt đang đóng quân ở Nhà Bàng thì anh Bá tìm đến. Anh nói là mẹ và em gái anh đã bị giặc giết rồi! Còn khẩu súng thì địa phương không cho anh giữ. Năm Chệt chia buồn với anh, dẫn anh lên Ban Chỉ huy Trung đoàn nhờ anh Giáp Trường Sơn- Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3- viết giấy tặng khẩu súng cho anh, chụp hình Năm Chệt trao khẩu súng cho anh để anh mang về trình với địa phương.
Năm Chệt và đơn vị tiếp tục chiến đấu giữ gìn biên giới Tây Nam, sau đó giúp bạn Campuchia đánh đuổi bọn diệt chủng. Đến tháng 6/1979 mới có dịp trở về nước cùng với anh Bảy Đèo và Tư Liệt. Năm Chệt tìm thăm anh Ba Bá ở gần chùa Đông Châu thuộc phạm vi núi Tượng.
Gặp Năm Chệt, anh mừng mừng tủi tủi, rồi xách khẩu AK bá xếp cất trong tủ ra, đưa cho Năm Chệt và nói: “Hồi đánh trận trên núi Tượng, tôi thấy anh bắn K54 mà hạ 6, 7 thằng giặc. Bây giờ anh dùng khẩu súng này bắn con gà trống kia, anh em mình nhậu một bữa cho đã nghe anh Năm!” Năm Chệt cười, nâng khẩu súng lên bắn hạ con gà. Bà con nghe bộ đội 312 về thăm, kéo tới đông nghẹt. Mới uống được vài ly rượu ở nhà Ba Bá, bà con đã kéo Năm Chệt cùng Ba Bá qua nhà khác. Đêm đó, cả hai đi uống rượu trên 10 nhà.
Ký ức về Ba Chúc trong đời Năm Chệt này không bao giờ quên! Và các bạn ơi, đừng bao giờ mất cảnh giác, lơi lỏng việc bảo vệ biên giới, hải đảo nhé!- Năm Chệt nhắn gửi.
Sau trận đánh này, Tiểu đoàn 312 được tặng Huân chương Chiến công hạng nhì. |
TRUNG NGÔN (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin