Sân khấu cải lương Vĩnh Long từng có một thời vàng son, là "đất lành" cho giới nghệ sĩ đến biểu diễn, khẳng định tên tuổi. Nơi đây, cũng được xem như "lò đào tạo", cung cấp cho sân khấu cải lương cả nước nhiều danh ca, với giọng hát ngọt ngào, mùi mẫn...
Sân khấu cải lương Vĩnh Long từng có một thời vàng son, là “đất lành” cho giới nghệ sĩ đến biểu diễn, khẳng định tên tuổi. Nơi đây, cũng được xem như “lò đào tạo”, cung cấp cho sân khấu cải lương cả nước nhiều danh ca, với giọng hát ngọt ngào, mùi mẫn và cả những giọng ca “độc”, “lạ” sáng tạo những lối ca mới cho bài vọng cổ cải lương.
Vở cải lương hồ quảng “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ”. |
Một thời vàng son
Khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tại Vĩnh Long, ông Tống Hữu Định- Phó Tổng Bình Long (tức ông Phó Mười Hai) rất yêu đờn ca tài tử, thường mời những nhóm đờn ca tài tử về đờn ca và cùng trao đổi để nâng cao hình thức đờn ca tài tử.
Với tâm huyết của mình, ông đã sáng tác và trình làng bài Tứ đại oán “Bùi Kiệm thi rớt trở về” bằng hình thức ca ra bộ, tiền thân của sân khấu cải lương. Từ sự thành công trên, thể loại nghệ thuật này được nhân rộng ra các tỉnh, vài năm sau phát triển thành sân khấu cải lương với tuồng tích, phân vai rõ ràng.
Từ đó, Vĩnh Long được xem là một trong những nơi sản sinh nhiều nghệ sĩ tài năng cho sân khấu cải lương, làm rạng danh quê hương, xứ sở như: cô Bảy Vĩnh Long (Bảy Ngọc), NSND Thành Tôn mà dòng họ gia đình được gọi là “Ngũ đại gia của sân khấu cải lương”, ông “Vua vọng cổ”- NSND Út Trà Ôn, “Giọng ca vượt thời gian”- NSND Lệ Thủy, nghệ sĩ Thanh Tùng, “Cánh chim lạ”- nghệ sĩ Chí Tâm, NSƯT Thanh Loan, Thanh Hương,…
Bên cạnh đó, chúng ta không thể không nhắc đến những đóng góp thầm lặng mà anh dũng của Đoàn Văn công Vĩnh Long. Thành lập từ năm 1961 tại Hòa Tân, Châu Thành, với phương châm “Tiếng hát át tiếng bom”, các nghệ sĩ của đoàn ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, phục vụ văn nghệ cho nhân dân, còn anh dũng chiến đấu chống đế quốc Mỹ, góp phần tích cực vào phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sau 1975, tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh sáp nhập, 2 đoàn văn công Ánh Hồng và Vĩnh Long cũng hợp nhất thành Đoàn cải lương Cửu Long.
Từ đó đến giữa 1992, đoàn cải lương không ngừng phát huy vai trò của mình trên mặt trận văn hóa, các nghệ sĩ của đoàn đã đạt được nhiều huy chương vàng, bạc trong những kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980, 1985, 1990 với các vở cải lương: Ký họa người đồng bằng, Quay về kỷ niệm,…
Nghệ sĩ Vũ Linh Tâm- Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu- Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long cho biết: Thời gian này, Vĩnh Long còn thành lập thêm 3 đoàn cải lương tập thể là: đoàn cải lương Cửu Long 2, Phù Sa và đoàn cải lương Bông Hồng Vàng.
Ngoài ra, còn có 2 đoàn cải lương tư nhân là đoàn cải lương Hương Miền Tây và đoàn cải lương Linh Thanh. Trong đó, có nhiều diễn viên được khán giả mến mộ, như: Vũ Linh Tâm, Thanh Hằng, Tài Linh, Minh Minh Tâm, Tài Lưu,…
Đồng thời, cũng có những nghệ sĩ tên tuổi, tài danh thường xuyên cộng tác với các đoàn cải lương của tỉnh, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người mộ điệu, như các nghệ sĩ: Tấn Tài, Minh Phụng, Minh Vương, Minh Cảnh, Hoài Thanh, Châu Thanh, Cẩm Tiên,… góp phần cho nghệ thuật sân khấu cải lương Vĩnh Long thời bấy giờ lớn mạnh, gây tiếng vang lớn khắp cả khu vực miền Tây và miền Đông. Đây được xem là thời kỳ “nở rộ” của sân khấu cải lương.
Giải pháp để bảo tồn
Tuy nhiên, theo sự phát triển của đất nước, nhiều loại hình nghệ thuật, phương tiện nghe nhìn hiện đại du nhập và phát triển rộng khắp, nên cùng với tình hình chung cả nước, sân khấu cải lương Vĩnh Long bắt đầu thưa dần khán giả đến với rạp và phải “gánh” trên mình một “nốt trầm” mà giới nghệ sĩ cải lương không bao giờ mong muốn.
Nghệ sĩ Vũ Linh Tâm chia sẻ: Bên cạnh yếu tố hội nhập của đất nước, còn có nhiều nguyên nhân tác động đến sân khấu cải lương, ảnh hưởng đến đời sống của giới nghệ sĩ, nên nhiều diễn viên, nghệ sĩ “gạo cội” phải bôn ba, tìm phương thức khác sinh sống, hoặc tìm một đơn vị nghệ thuật khác đang còn hoạt động tốt để tiếp tục phát huy tài năng, dẫn đến một số đoàn cải lương giải thể, vì thế mà sân khấu cải lương Vĩnh Long cũng dần bị mai một.
Dù vậy, hiện nay Vĩnh Long vẫn còn nhiều người, nhiều nghệ sĩ nặng lòng với sân khấu cải lương, luôn trăn trở tìm cách đưa loại hình nghệ thuật truyền thống này “vượt cạn”, với niềm tin sân khấu cải lương tiếp tục được duy trì và phát triển trở lại như thời vàng son của nó.
Hiện một số địa phương trong tỉnh đã thành lập những mô hình mới về sân khấu cải lương dưới dạng CLB, đội nhóm. Tiêu biểu có CLB sân khấu Vĩnh Long, do nghệ sĩ Vũ Linh Tâm làm Chủ nhiệm, quy tụ được những tấm lòng đam mê nghệ thuật cải lương tham gia như: nghệ sĩ Kim Sa, Cẩm Nhung, Nguyễn Tâm, Ngọc Như, Thế Tâm, Hoàng Ẩn, Mỹ Hằng…
Nghệ sĩ Vũ Linh Tâm cho biết thêm: “Dưới sự đầu tư, hỗ trợ của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, CLB sân khấu đã sáng tác, dàn dựng được nhiều kịch bản hay, hấp dẫn phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, chủ quyền biển, đảo, phong trào Vĩnh Long chung sức xây dựng xã nông thôn mới… được nhân dân đánh giá cao”.
Bàn luận về những giải pháp căn cơ và lâu dài để bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương ở Vĩnh Long, theo ông Huỳnh Tấn Lộc- Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) Vĩnh Long, thì thời gian tới, các cấp các ngành của Vĩnh Long cần có sự quan tâm đặc biệt đối với loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Chú trọng công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đạo cụ sân khấu, mở lớp tập huấn, đào tạo trên lĩnh vực sân khấu cải lương và có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nhân tài về công tác, phục vụ cho nền sân khấu cải lương tỉnh nhà. Đồng thời, ngành VH, TT và DL nên tham mưu, đề xuất UBND tỉnh lập hồ sơ, trình Bộ VH, TT và DL xem xét đưa loại hình nghệ thuật cải lương Vĩnh Long vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.
Từ đó, tạo động lực thúc đẩy phong trào văn nghệ nói chung, loại hình nghệ thuật cải lương trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và ngày càng phát triển trở lại.
Cũng theo ông Huỳnh Tấn Lộc, trước mắt tỉnh nên xây dựng khung cán bộ lãnh đạo, nghiệp vụ có tay nghề và tâm huyết với loại hình nghệ thuật cải lương, để xây dựng kế hoạch tuyển chọn, đào tạo diễn viên, cũng như mời gọi các tài năng trẻ, đam mê cải lương ở các nơi trong cả nước về tham gia, phục vụ cho phong trào văn nghệ, cải lương của tỉnh. Điều này, cũng góp phần bảo tồn, lưu truyền và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương đến với công chúng, người hâm mộ. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TRIẾT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin