(VLO) “Nông nghiệp (NN) thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) để phát triển bền vững” là thông điệp mạnh mẽ và yêu cầu khẩn thiết đối với khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức đe dọa tính bền vững của NN, cần áp dụng các giải pháp NN thông minh và thích ứng với khí hậu để bảo vệ nền tảng NN của đồng bằng.
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực đưa các giống lúa mới vừa có năng suất, chất lượng, vừa thích ứng với biến đổi vào sản xuất. |
Sản xuất thích ứng với BĐKH đem lại nhiều hiệu quả
ĐBSCL sản xuất 50% sản lượng gạo của cả nước và đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, là nền tảng đảm bảo an ninh lương thực cho cả thị trường Việt Nam và quốc tế. Song, hiện nay ĐBSCL phải đối mặt với nhiều thách thức đe dọa tính bền vững của NN.
BĐKH đang có tác động sâu sắc, với mực nước biển dâng cao, xâm nhập mặn và các hình thái thời tiết khó lường, gây ra rủi ro nghiêm trọng cho cả sản xuất cây trồng và chăn nuôi.
Nông dân đang ngày càng phải đối mặt với tình trạng suy thoái đất và khan hiếm nước, làm hạn chế năng suất cây trồng và giảm khả năng phục hồi của hệ thống NN. Ngoài ra, lũ lụt và hạn hán gia tăng làm gián đoạn mùa trồng trọt và thu hoạch, làm suy yếu khả năng duy trì vai trò cung cấp lương thực chính của khu vực.
Các chuyên gia cho rằng, muốn vượt qua những thách thức này, tương lai của ngành NN phụ thuộc vào khả năng thích ứng và đổi mới của mỗi cá nhân trong chuỗi sản xuất NN.
Chỉ các biện pháp canh tác truyền thống sẽ không đủ để vượt qua áp lực của BĐKH, đe dọa cả sản xuất cây trồng và sức khỏe vật nuôi. Theo đó, việc chuyển đổi sang sản xuất NN công nghệ cao và NN thông minh ứng phó với BĐKH là xu thế tất yếu.
Tại Vĩnh Long, thời gian qua, ngành NN tỉnh cũng đã tập trung cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị, thích ứng thị trường. Nhiều địa phương đã linh hoạt sử dụng hiệu quả đất trồng lúa vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đóng góp thiết thực vào mục tiêu an ninh lương thực.
Việc tổ chức sản xuất theo hướng liên kết áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, GAP được quan tâm và diện tích áp dụng ngày càng gia tăng, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Cơ cấu giống lúa chuyển dần từ nhóm giống lúa chất lượng trung bình/thấp (IR50404, ML202) sang các giống thơm, lúa chất lượng cao như OM18, Đài Thơm, OM4900, OM5451, OM6976… Hiện tỷ lệ gieo sạ lúa giống cấp xác nhận trở lên dao động 75-85%, áp dụng cơ giới hóa 100% diện tích làm đất và thu hoạch, gần 90% ở khâu chăm sóc.
Bên cạnh đó, với mục đích hỗ trợ người sản xuất lúa ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để ứng phó với các tác động xấu của BĐKH nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thời gian qua, ngành NN cũng đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng phó với BĐKH tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025”.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu tìm ra nhiều giống lúa thích ứng tốt với BĐKH đã góp phần đảm bảo và từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất lúa của nông dân trước tình trạng BĐKH ngày càng gay gắt như hiện nay, qua đó, tạo ra một hệ sinh thái canh tác bền vững.
Tham gia mô hình sản xuất lúa ứng phó với BĐKH, ông Trần Văn Út (xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm), cho biết: “Nông dân được tập huấn, hướng dẫn nhiều giải pháp kỹ thuật để sử dụng các loại vật tư đầu vào tiết kiệm và chủ động giúp cây lúa khỏe, ít sâu bệnh và đổ ngã do thời tiết bất lợi. Năng suất, lợi nhuận cũng được tăng hơn so với những hộ sản xuất ngoài mô hình”.
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp
Việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu. |
Mới đây, tại Hội nghị quốc tế Khoa học NN 2024 (ICAS2024) với chủ đề “NN thông minh thích ứng với BĐKH để phát triển bền vững” tại TP Cần Thơ, thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách trong và ngoài nước, nhằm thảo luận về tương lai của ngành NN trong bối cảnh những thách thức về khí hậu ngày càng gia tăng; trao đổi kiến thức, trình bày nghiên cứu tiên tiến và giới thiệu các giải pháp sáng tạo.
PGS.TS Lê Văn Vàng- Hiệu trưởng Trường NN (Trường ĐH Cần Thơ) nhấn mạnh: “NN thông minh thích ứng với BĐKH để phát triển bền vững” là thông điệp mạnh mẽ và yêu cầu khẩn thiết đối với khu vực ĐBSCL, nơi được coi là trung tâm NN của Việt Nam. Để bảo vệ nền tảng NN của ĐBSCL và xa hơn nữa, ngành NN cần áp dụng các giải pháp NN thông minh và thích ứng với khí hậu.
Những cách tiếp cận này không chỉ tập trung vào việc tăng năng suất mà còn đảm bảo tính bền vững lâu dài bằng cách giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống canh tác để chống chọi với những thay đổi khắc nghiệt về thời tiết và môi trường.
Các chuyên gia cho rằng, sự chuyển đổi nhanh chóng của NN thông qua công nghệ kỹ thuật số là trọng tâm để nâng cao năng suất, tăng giá trị gia tăng và tạo ra các hệ thống bền vững có thể chịu được các tác động của BĐKH.
Trước nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng, điều cần thiết là nền NN hiện đại phải áp dụng chiến lược thông minh về khí hậu và tích hợp các công nghệ tiên tiến nhằm thúc đẩy cả khả năng phục hồi và tính bền vững; từng bước thay đổi tập quán NN phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên, cũng như các kinh nghiệm dân gian.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Trong những năm gần đây, NN tỉnh đã tích cực đưa các giống lúa mới vừa có năng suất, chất lượng, vừa thích ứng với BĐKH vào sản xuất.
Cùng với đó, đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ nên đã hình thành được nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng, quy mô tập trung.
Thời gian tới, ngành NN tiếp tục tăng cường các giải pháp hạ giá thành sản xuất; linh hoạt chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và phương thức sản xuất thích ứng với BĐKH, nhu cầu thị trường; sử dụng giống cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, thích ứng với BĐKH.
Đồng thời, nhân rộng mô hình NN hữu cơ, xây dựng mô hình điểm về NN tuần hoàn; tuyên truyền hiệu quả của các ứng dụng công nghệ cao hiệu quả trong sản xuất NN như: sử dụng thiết bị máy bay không người lái, công nghệ tưới nước tiên tiến, biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp, ứng dụng phân bón, thuốc BVTV hữu cơ, xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, khai thác chỉ dẫn địa lý phục vụ nhu cầu xuất khẩu…
Hội nghị ICAS2024 được tổ chức 2 năm 1 lần. Tại hội nghị, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất trong và ngoài nước được các nhà khoa học trình bày, được đánh giá có thể áp dụng ngay, mang lại lợi ích thiết thực và to lớn cho nông dân Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng. Cụ thể như: Chất hữu cơ trong đất- giải pháp mấu chốt thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng hệ thống CRISPR/Cas để nâng cao hiệu quả sinh học và phi sinh học chống chịu stress cho cây trồng; nguồn protein thay thế cho ngành thức ăn chăn nuôi… |
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin