Từ chợ đến sàn thương mại điện tử

07:30, 27/01/2025

Thương mại- dịch vụ đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, từ chợ truyền thống đến hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng được quan tâm đầu tư đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, kích cầu sản xuất và tiêu dùng.

Hạ tầng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, kích cầu sản xuất và tiêu dùng.
Hạ tầng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, kích cầu sản xuất và tiêu dùng.


Kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại


Đến nay, toàn tỉnh đã có 50/115 chợ hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý từ ban quản lý sang doanh nghiệp, HTX khai thác và quản lý. Theo đánh giá của Sở Công Thương, chuyển đổi mô hình quản lý chợ là một trong những giải pháp phát triển chợ theo hướng văn minh, hiện đại, đồng bộ hóa hạ tầng thương mại, đáp ứng kịp thời nhu cầu giao thương hàng hóa của địa phương. Góp phần tăng thu cho ngân sách 30-50% đối với nguồn thu từ chợ, giảm vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng, nâng cấp sửa chữa chợ hàng năm.


Cạnh đó, sự phát triển của hệ thống thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi giúp hình thành kênh phân phối thông suốt, phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất và nâng cao trải nghiệm mua sắm cho người dân. Tính đến nay, toàn tỉnh có 44 cửa hàng tiện lợi, 5 siêu thị và 2 trung tâm thương mại đã áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng nền tảng số…


Từ năm 2018, nền tảng trực tuyến Co.op online trở thành kênh mua sắm phổ biến của hệ thống Saigon Co.op, giúp người tiêu dùng có thể “đi chợ tại nhà, giao hàng tận nơi, hóa đơn tận tay”. Ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, cho biết: “Việc bán hàng trực tuyến giúp mở rộng đối tượng khách hàng, tăng tỷ lệ thanh toán không tiền mặt lên 20% mỗi ngày”.

 


Là điển hình trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, Công ty TNHH Lúa- gạo Hồng Tân (phường Tân Hội, TP Vĩnh Long) đã đầu tư trang bị dây chuyền đóng gói cho các sản phẩm gạo hữu cơ và gạo sạch. Bên cạnh việc bán hàng truyền thống thông qua các đại lý phân phối, công ty còn trưng bày sản phẩm trên website và các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo, hay kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, giúp công ty tăng trưởng doanh thu, tiếp cận khách hàng trên diện rộng.

Bà Lưu Thị Yến Hằng- Giám đốc công ty, chia sẻ: “Chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh không chỉ tối ưu chi phí và tăng năng suất, mà còn giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm mọi lúc, mọi nơi. Nhờ đó, khách hàng dễ dàng tra cứu được thông tin quy trình sản xuất và nguồn gốc sản phẩm”.


Triển vọng tăng trưởng mới


Tự hào là một trong những doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long, ông Đặng Ngọc Long- Giám đốc chi nhánh Công ty CP Acecook Việt Nam tại Vĩnh Long, chia sẻ: “Sau hơn 18 năm hoạt động, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và đồng hành từ các cấp, sở, ban ngành của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để công ty đạt được những kết quả kinh doanh khả quan.

Nhờ có môi trường đầu tư thuận lợi, công ty có đủ động lực và niềm tin để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai dự án xây dựng nhà máy sản xuất mới với tổng vốn đầu tư dự kiến là 200 triệu USD. Dự án này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm ăn liền ngày càng cao của người dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, mà còn tạo thêm việc làm cho khoảng 3.000 lao động địa phương, cũng như đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh trong thời gian tới”.


Thời gian qua, các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh; thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn… được ngành công thương thực hiện thường xuyên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm đa dạng của người dân. 


Song song đó, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025 được xem là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội kinh doanh. Trong đó, ngành công thương tập trung xây dựng hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực ứng dụng nền tảng số trong kinh doanh, nâng cấp Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt…


Đến nay, Sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương tỉnh Vĩnh Long đã thu hút hơn 370 cơ sở, HTX, hộ kinh doanh trong tỉnh tham gia với hơn 1.700 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông- thủy sản, thực phẩm, gia dụng… Tỷ lệ sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia sàn giao dịch đạt 75% kế hoạch năm 2024; có 35 sản phẩm, hàng hóa đủ tiêu chuẩn đưa vào áp dụng trong hệ thống truy xuất nguồn gốc theo kế hoạch, như: bưởi, rau củ quả, cam sành, sầu riêng, thanh trà, bánh, thủy sản…


Bà Lư Thị Hồng Ly- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (trực thuộc Sở Công Thương), cho hay, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ số do thiếu nguồn nhân lực và chi phí đầu tư ban đầu. “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Doanh nghiệp cần thích nghi với xu hướng này để phục vụ khách hàng tốt hơn, giảm chi phí trung gian và tối ưu lợi nhuận”- bà Hồng Ly nhấn mạnh.

Chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số.
Chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số.
 


Theo Sở Công Thương, trên cơ sở thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành công thương tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030, lĩnh vực thương mại sẽ được tái cơ cấu theo 3 nội dung chính: phát triển hạ tầng, thương mại hiện đại và thương mại điện tử. Theo đó, hình thành hệ thống liên kết giữa người sản xuất với hệ thống phân phối theo chuỗi ngành hàng, giữa các chợ truyền thống với hệ thống thương mại hiện đại.

Bên cạnh đó, thực hiện chuyển dịch thương mại sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn. Đồng thời, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua hỗ trợ cải tiến công nghệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; đưa sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP vào các sàn thương mại điện tử của tỉnh và trong nước… là những trọng tâm phát triển thương mại- điện tử trong giai đoạn tới.


Việc triển khai đồng bộ và linh hoạt các giải pháp của ngành công thương được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới cũng như những đổi thay tích cực cho sự phát triển thương mại- dịch vụ của tỉnh. Từ đó, không chỉ mở ra nhiều triển vọng tăng trưởng cho doanh nghiệp mà còn góp phần duy trì sự thông suốt trong lưu chuyển hàng hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân.
 
Bài, ảnh: THẢO TIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh