Theo Cục Y tế dự phòng (thuộc Bộ Y tế), dự báo năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm (BTN) còn diễn biến phức tạp. Trong đó, sốt xuất huyết là thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Năm 2024, bệnh sởi tăng cao và diễn biến phức tạp. Trong ảnh là một bệnh nhi mắc sởi phải nhập viện điều trị tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long. |
Cảnh giác với bệnh cúm, sởi
Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống BTN năm 2024 và kế hoạch phòng, chống BTN năm 2025, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho hay trong năm 2024 tình hình các BTN trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát. Không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm nhóm A (Ebola, MERS-CoV, cúm A/H7N9) xâm nhập vào Việt Nam. Mặc dù vậy, một số BTN có số mắc tăng cao như sởi, ho gà, dại, một số bệnh như sốt xuất huyết, bạch hầu tăng cao cục bộ tại một số địa phương.
Ông Nguyễn Lương Tâm- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết trong năm 2024, cả nước ghi nhận 287.548 ca mắc bệnh cúm, trong đó có 8 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 18,6% nhưng số ca tử vong tăng 5 ca. Bệnh dại ghi nhận tới hơn 84 ca tử vong.
Đáng chú ý, trong năm 2024 bệnh sởi có diễn biến phức tạp. Trong đó, một số tỉnh có số ca mắc cao là Đồng Nai (6.360 ca), TP Hồ Chí Minh (4.758 ca), Bình Dương (4.745 ca), Cà Mau (2.405 ca)... Trên toàn quốc đã ghi nhận 13 ca tử vong do sởi. Nguyên nhân một phần do nhiều bà mẹ không cho con tiêm vaccine khiến nhiều trẻ bỏ lỡ tiêm chủng. Điều này dẫn đến một số bệnh có vaccine phòng bệnh như sởi gia tăng trong thời gian qua. Cùng với đó, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra cục bộ, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Tại tỉnh Vĩnh Long, năm 2024, trong bối cảnh tình hình một số dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng ngành y tế tỉnh triển khai hiệu quả công tác phòng chống các BTN trên địa bàn. Nhờ chủ động triển khai nhiều biện pháp khống chế ngay từ đầu năm nên khi ca bệnh xuất hiện và gia tăng, ngành y tế đã kịp thời khống chế ngăn chặn nguồn lây không để xảy ra dịch bệnh trên.
Các BTN giảm so với cùng kỳ như: tiêu chảy giảm 30%, sốt xuất huyết giảm 19%, tay chân miệng giảm 6,4%,... Các BTN tăng so với cùng kỳ như: viêm gan virus tăng 18%, thủy đậu tăng 24,7%, quai bị tăng 66,7%, sởi tăng 8,3 lần,… Không ghi nhận ca bệnh và ca tử vong đối với các BTN khác như đậu mùa khỉ, bạch hầu, dại, cúm,…
Cần nâng cao năng lực y tế dự phòng
Dự báo năm 2025, tình hình BTN còn diễn biến phức tạp. Trong đó, sốt xuất huyết lây lan do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch, đô thị hóa, di dân... Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người dân chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Bệnh dại vẫn ghi nhận tử vong ở mức cao do hạn chế trong quản lý đàn chó, mèo, tỷ lệ tiêm phòng dại thấp. Người dân vẫn chủ quan, lơ là khi không tiêm phòng dại và xử trí kịp thời khi bị chó, mèo cắn.
Cục Y tế dự phòng cảnh báo bệnh nguy hiểm mới nổi, lây truyền từ động vật sang người như đậu mùa khỉ tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc với các biến chủng mới. Cúm gia cầm độc lực cao vẫn có nguy cơ xuất hiện do virus trên gia cầm được phát hiện tại nhiều nơi.
Việt Nam chuẩn bị đón Tết Nguyên đán và bước vào mùa lễ hội, nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn nếu các địa phương không tăng cường kiểm soát dịch bệnh, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp để người dân vui Xuân, đón Tết an lành. Theo Cục Y tế dự phòng, thời điểm này vào mùa đông- xuân, nguy cơ lây lan dịch bệnh dễ xảy ra.
Các địa phương cần tổ chức tiêm bù, tiêm vét, rà soát đối tượng tiêm chủng năm 2025, nhất là tiêm vaccine sởi. |
Trước tình hình dịch BTN tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức phòng bệnh cá nhân, chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, xã hội. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo việc chủ động tổ chức triển khai sớm, hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch BTN năm 2025 và nâng cao năng lực y tế dự phòng, dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, các sự kiện khẩn cấp về y tế công cộng.
Đồng thời, chỉ đạo việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong phòng, chống BTN, chuẩn bị các phương án ứng phó với các tình huống xảy ra của dịch bệnh; đảm bảo nguồn lực, kinh phí tổ chức thực hiện và huy động các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị- xã hội chủ động tham gia công tác phòng, chống BTN.
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin