Giải pháp nâng cao sức khỏe đất trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Đó là chủ đề hội thảo do Trường Nông nghiệp-ĐH Cần Thơ phối hợp Hội Khoa học đất Việt Nam, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 6/12.
Trong những năm gần đây, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu được xác định là định hướng phát triển trọng điểm của vùng ĐBSCL.
Bộ Nông nghiệp-PTNT cũng đã xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất, quản lý hiệu quả dinh dưỡng cây trồng, qua đó thực hiện quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công, hiệu quả. Từ đó, cũng cho thấy tầm quan trọng và vai trò của đất trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, Việt Nam hiện có gần 120.000ha đất nông nghiệp bị thoái hóa bao gồm đất bị suy giảm độ phì; bị xói mòn; sa mạc hóa; bị kết vón; bị mặn và phèn hóa. Diện tích đất có mức chất lượng thấp chiếm khoảng 12% so với tổng diện tích đất tự nhiên. Theo các nhà khoa học, đất là một thực thể sống nhưng lâu nay việc lạm dụng các loại phân bón và thuốc BVTV kéo dài đã làm cho cấu trúc đất bị phá vỡ.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày, thảo luận các vấn đề về sức khỏe đất, những suy thoái và trở ngại hiện nay của đất canh tác trong sản xuất nông nghiệp, các định hướng và chính sách Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực khoa học đất... Đây cũng là cầu nối trao đổi giữa các chuyên gia, cơ quan quản lý và nhà khoa học với mục tiêu góp phần thúc đẩy phát triển bền vững nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng.
Tin, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin