Đừng chủ quan với bệnh dịch tả heo châu Phi

14:42, 17/12/2024

 

Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. 
Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh. 

Vào thời điểm này người chăn nuôi heo trong tỉnh đang sản xuất chuẩn bị phục vụ thị trường Tết. Do đó, nhu cầu mua bán, vận chuyển heo cũng tăng, nhiều nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh ở heo nói riêng và vật nuôi nói chung. Đặc biệt, là bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Do đó, người chăn nuôi cần thận trọng khi tái đàn, nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh để bảo vệ vật nuôi.


Nguy cơ xảy ra dịch bệnh vẫn còn


Theo ngành nông nghiệp, hiện nay, bệnh DTHCP đang diễn biến rất phức tạp. Tại tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 7 ổ DTHCP.


Vừa phải tiêu hủy hơn 50 con heo nuôi được 15 ngày, ông Nguyễn Quốc Bảo (huyện Vũng Liêm) cho biết: “Gần Tết, thấy giá heo có tăng nên tôi mua heo về nuôi. Xây chuồng mới xong là tôi tìm mua heo con liền. Tôi nghe theo lời người quen giới thiệu, nói là heo con của nhà nuôi, tôi đến xem tận chuồng, thấy con nào cũng khỏe mạnh. Tôi đặt mua hơn 50 con, người bán hẹn giao heo trong 3 lần và giao dịch qua Zalo.

Mấy ngày đầu heo khỏe nhưng chỉ từ 10-15 ngày sau heo chết dần dần, một ngày chết 4-5 con. Sau đó, tôi báo với địa phương. Ngành chức năng và địa phương đã cử cán bộ đến lấy mẫu bệnh phẩm để gửi đi xét nghiệm, kết quả dương tính với DTHCP. Giờ tôi phải phun xịt khử trùng, đến sau Tết mới nuôi lại. Đây là bài học quá lớn cho tôi khi mua heo giống không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ kiểm định rõ ràng”.


Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT), virus bệnh DTHCP tồn tại rất lâu trong môi trường, phải tiêu độc khử trùng liên tục trước khi tái đàn. Theo cảnh báo, hầu hết heo còn trong vùng dịch có tỷ lệ tiêm phòng chưa cao, chăn nuôi theo an toàn sinh học còn kém, đàn heo trong tình trạng phơi nhiễm cao. 


Bên cạnh đó, một vấn đề cảnh báo hiện nay là người chăn nuôi nôn nóng tái đàn nên mua heo giống không rõ nguồn gốc. Khi xảy ra bệnh DTHCP, ngành chuyên môn đã tiến hành lấy mẫu và truy xuất nguồn gốc ổ dịch thì phát hiện do người chăn nuôi mua heo con trên mạng xã hội, cơ sở bán heo con thu gom ở nhiều nơi để bán lại. 

Bà Nguyễn Huỳnh Nga- Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến bất thường. Đây cũng là thời gian cao điểm các cơ sở chăn nuôi heo tái đàn, tăng đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2025. Theo đó, nhu cầu mua bán, vận chuyển tăng, nhiều nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh, nhất là bệnh DTHCP. Tỉnh cũng đã có xuất hiện tình trạng người chăn nuôi mua heo giống không rõ nguồn gốc, nguy cơ xảy ra dịch bệnh. Ngành thú y khuyến cáo các hộ chăn nuôi đã xảy ra dịch bệnh không nên nôn nóng tái đàn. 


Nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh


Thời gian qua, ngành chuyên môn cũng đã tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi như: vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, nhằm tiêu diệt mầm bệnh, theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo ngành thú y, bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi và ngăn chặn hiệu quả các mầm bệnh lây truyền, việc phòng bệnh cho đàn vật nuôi phải được quan tâm đúng mức, trong đó công tác tiêm phòng vaccine và vệ sinh môi trường đóng vai trò cốt lõi, đồng thời, người nuôi cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.


Đang nuôi 40 con heo phục vụ Tết, bà Nguyễn Thị Thúy (xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Tôi trang bị mùng cho chuồng heo để tránh ruồi, muỗi xâm nhập, không cho người lạ vào chuồng, vệ sinh chuồng trại, khử trùng, rải vôi bột thường xuyên. Đồng thời, đảm bảo nguồn thức ăn sạch sẽ, xử lý chất thải đúng quy định. Tôi cũng chú trọng tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh cho đàn heo. Nhờ đó mà nhiều năm qua đàn heo của tôi chưa từng xảy ra dịch bệnh”.


Bà Nguyễn Huỳnh Nga cho biết: Các loại bệnh trên vật nuôi đều đã có vaccine phòng ngừa, bà con nên chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng liều và đúng thời gian quy định để có thể đạt được hiệu quả phòng dịch tốt nhất. Hàng ngày vệ sinh chuồng trại, dụng cụ nuôi sạch sẽ, thu dọn phân, chất thải đúng nơi quy định.

Định kỳ phun hóa chất tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi để tiêu diệt mầm bệnh; phương tiện vận chuyển heo, thức ăn phải được sát trùng kỹ mỗi lần ra vào trại, khu vực chăn nuôi; kiểm soát tốt nguồn thức ăn, phương tiện vận chuyển ra vào trại, cơ sở chăn nuôi. Trước khi vào khu chăn nuôi phải thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh thú y, bảo hộ lao động, khử trùng trước khi vào trại. Ở đầu mỗi trại phải có hố sát trùng; hạn chế tối đa khách tham quan và người lạ ra vào chuồng trại, khu vực chăn nuôi.

 


“Ngoài ra, trong điều kiện khan hiếm heo giống hiện nay, bà con phải thận trọng khi chọn mua con giống, đảm bảo con giống khỏe mạnh, đã được tiêm phòng bệnh đầy đủ. Bà con nên ưu tiên chọn mua giống ở các cơ sở cung cấp giống uy tín, khi nhập giống phải tuân thủ việc nuôi cách ly trước khi nhập đàn. Ngành thú y cũng đang tiếp tục tăng cường kiểm soát việc mua bán, vận chuyển và giết mổ động vật trên toàn tỉnh; đặc biệt siết chặt việc nhập giống vật nuôi vào tỉnh, đảm bảo con giống có nguồn gốc rõ ràng, sức khỏe tốt và được phòng dịch theo quy định... để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân” -bà Nga cho biết thêm. 

Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, tổng đàn heo của Việt Nam hiện có hơn 30 triệu con, đứng thứ 6 trên thế giới. Thịt heo cũng chiếm đa số trong khẩu phần ăn của người Việt Nam. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi heo đang đối mặt nhiều thách thức, trong đó có các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên heo, đặc biệt là bệnh DTHCP. Kể từ khi bệnh DTHCP xuất hiện từ tháng 2/2019, Việt Nam đã tiêu hủy trên 6 triệu con heo. Từ đầu năm đến ngày 25/11, cả nước đã xảy ra trên 1.500 ổ DTHCP, tại 48 tỉnh, thành phố khiến trên 88.200 con heo bị chết và tiêu hủy.

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh