Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao-  cuộc cách mạng đa mục tiêu:
Kỳ 2: “Dọn đất” cho đề án lúa chất lượng cao 

06:03, 07/12/2024
Nhiều HTX nông nghiệp đã sớm bắt tay vào sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.
Nhiều HTX nông nghiệp đã sớm bắt tay vào sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.

Sau thành công bước đầu của Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là đề án), các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang tăng tốc “dọn đất” sẵn sàng tham gia đề án. 


Trước sự háo hức của HTX, nông dân, tỉnh Vĩnh Long cũng tăng tốc tham gia đề án. Với việc xác định làm lúa chất lượng cao chính là con đường phát triển bền vững không chỉ cho cây lúa, ngành hàng lúa gạo mà còn là cuộc cách mạng đột phá cho ngành nông nghiệp tương lai. 


Tạo nền tảng từ sản xuất lúa hữu cơ 


Trước yêu cầu của thị trường ngày càng cao về an toàn thực phẩm, trong đó có việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải, nhiều HTX nông nghiệp đã sớm bắt tay vào sản xuất theo hướng hữu cơ, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. 


Ngay từ khi thành lập năm 2011, HTX Sản xuất- Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm) đã xác định: “Mục tiêu của HTX từ trước đến nay là tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng nhưng vẫn bảo vệ môi trường. Nhiều năm qua HTX đã làm được và sẽ kiên định con đường này”. Dựa vào lợi thế vùng đất, thành viên HTX là những nông dân có kinh nghiệm trồng lúa nước và kết cấu hạ tầng đồng ruộng thuận lợi, HTX mạnh dạn tiên phong làm lúa hữu cơ, thân thiện với môi trường thông qua ứng dụng khoa học kỹ thuật, các giải pháp sản xuất tiên tiến. 


Ông Đoàn Văn Tài- Giám đốc HTX, cho biết: Hiện HTX có 85 thành viên chính thức và 60 thành viên liên kết, đã xây dựng được vùng nguyên liệu 100ha trồng lúa theo hướng hữu cơ. Trong đó, khoảng 30ha được cấp chứng nhận hữu cơ theo 4 tiêu chuẩn hàng đầu của quốc tế gồm USDA (Mỹ), EU (châu Âu), JAS (Nhật Bản) và COR (Canada) với những giống lúa chủ lực là lúa thơm ST24, Đài thơm 8, OM4900 và lúa tím thảo dược Tấn Đạt. Đây cũng là những thương hiệu gạo của HTX tạo uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng. Mỗi tháng cung ứng 15-20 tấn sản phẩm, nhưng vẫn “không đủ bán”. 


Cùng chiều hướng phát triển lớn mạnh, HTX đã thành lập doanh nghiệp trong HTX- một loại hình kinh doanh khá mới mẻ, nhằm quản lý từ các đội sản xuất, đội kỹ thuật, đội tiêu thụ… đến chuyên nghiệp hóa truyền thông, bán sản phẩm. HTX hướng đến khép kín chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, đưa sản phẩm đến tay người dùng đạt chất lượng tốt nhất. Qua đó, góp phần tăng lợi nhuận cho thành viên HTX từ 1,5-2 lần so với ruộng sản xuất bên ngoài. “HTX đem lại lợi ích cho cộng đồng, có lợi nhuận thì mới thu hút được nhiều nông dân tham gia. Với hướng đi đúng đắn đó, việc hình thành, phát triển vùng sản xuất lớn, bền vững không khó”- ông Tài chia sẻ tâm huyết. 


Làm lúa hữu cơ, theo cách nói thực tế của ông Tài là quy trình sản xuất lúa gắn với việc sử dụng nước sạch, phân bón và thuốc BVTV hữu cơ. HTX cũng giám sát chặt chẽ từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch… Từ đó cho ra sản phẩm lúa gạo có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, giảm thiểu các chất gây hại. Qua nhiều năm sản xuất theo quy trình này, nông dân dần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang sản xuất quy mô lớn có sự liên kết theo chuỗi giá trị lúa gạo, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây cũng là nền tảng để HTX tự tin bước vào đề án, mà theo ông Tài, nhờ thực hiện sản xuất an toàn, hữu cơ nên đề án sẽ càng có lợi cho nông dân. 


“Tôi đã trực tiếp tham gia các lớp tập huấn chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm trong sản xuất. Đồng thời, tập huấn cho các thành viên chủ chốt của HTX nắm bắt, ứng dụng công nghệ vào theo dõi, ghi chép nhật ký đồng ruộng. Trong năm 2025, HTX đăng ký thực hiện đề án với diện tích 350ha trong 3 vụ lúa. Hiện HTX sẵn sàng, chỉ cần thêm trạm bơm hoàn thành để đảm bảo tiêu chí ngập khô xen kẽ thì có thể làm ngay vụ mùa tới”- ông Tài cho hay.


Theo ông Đoàn Văn Tài, việc triển khai đề án sẽ làm thay đổi cả một phương thức sản xuất, cho nên đòi hỏi cần kiên trì tuyên truyền cho bà con hiểu mục đích, yêu cầu của đề án. Đề án đem lại rất nhiều lợi ích cho nông dân, không chỉ tăng hiệu quả kinh tế, giảm chi phí mà hơn hết là bảo vệ sức khỏe, môi trường sống. Mặt khác, HTX phải chủ động, phát huy nội lực, tự làm trước để rút kinh nghiệm chứ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. 


Vĩnh Long tăng tốc thực hiện đề án


Cùng HTX Tấn Đạt, bà Nguyễn Thị Minh Yến- Giám đốc HTX Nông nghiệp Hậu Thành (xã Long An, huyện Long Hồ) cho biết cũng đang “xắn tay áo” cùng 46 thành viên khẩn trương “dọn đất”, nạo vét kênh mương… để đủ điều kiện sản xuất theo quy trình đề án. “Thời gian qua, HTX áp dụng gần như hoàn toàn cơ giới hóa vào quá trình sản xuất. Chúng tôi hy vọng đề án được triển khai hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị, lợi nhuận cho người nông dân. Đặc biệt là việc bao tiêu giá lúa ổn định để nông dân yên tâm sản xuất và giàu lên từ cây lúa” - bà Yến chia sẻ kỳ vọng. 

HTX, nông dân đã sẵn sàng chuyển đổi phương thức sản xuất lúa mới.
HTX, nông dân đã sẵn sàng chuyển đổi phương thức sản xuất lúa mới.
 

Trước sự háo hức của HTX, nông dân tham gia đề án, ông Nguyễn Văn Liêm- Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: “Vĩnh Long chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất lúa bền vững. Từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp đã triển khai một số mô hình, bước đầu thực hiện theo hướng của các tiêu chí tham gia đề án. Kết quả triển khai 924ha vụ Hè Thu và Thu Đông năm 2024 cho thấy, năng suất tăng trung bình 0,2-0,4 tấn/ha, chênh lệch lợi nhuận bình quân 4,4 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình”. 


Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, tỉnh đã xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại tỉnh Vĩnh Long theo Quyết định số 513/QĐ-UBND. Theo đó, tổng diện tích lúa tham gia 20.000ha (từ năm 2024-2030, chia làm 2 giai đoạn), thực hiện tại 49 xã của 7 huyện, thị xã với 30.000 hộ trồng lúa tham gia. 


Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai đề án cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Liêm, mục tiêu của đề án đã xác định các chỉ tiêu cụ thể của vùng sản xuất lúa cần đạt được về quy mô diện tích, canh tác bền vững, tổ chức sản xuất, bảo vệ môi trường; đồng thời gắn với tăng trưởng xanh, tăng giá trị, thu nhập người trồng lúa, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch xác định các nội dung, giải pháp thực hiện để đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của đề án là rất cần thiết nhằm góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững, có sức cạnh tranh cao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan: Nếu Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao được thực hiện thành công ở ĐBSCL thì sẽ nhân rộng ra các vùng khác và có thể thực hiện tương tự đối với các ngành chăn nuôi, thủy sản. 
Người nông dân không thay đổi thì sẽ không thay đổi được gì. Tăng trưởng xanh, giảm phát thải là xu thế không thể quay lưng được. Thực tế cũng đã cho thấy, thời gian qua hạt gạo Việt Nam đã khẳng được được giá trị khi xuất khẩu và đang bứt tốc so với các quốc gia khác. Và đề án sẽ khởi nguồn, kiến tạo và tổ chức lại một ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững. Ngành hàng lúa gạo muốn bền vững phải có hệ sinh thái với sự tham gia của tất cả các bên: nông dân, thương lái, doanh nghiệp, Nhà nước. Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương phải coi đây là một cuộc “cách mạng” thì đề án mới thành công được.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY

>> Kỳ sau: Những thách thức đặt ra từ thực tiễn
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh