Việc thực hiện, giải quyết kịp thời, đúng, đủ theo quy định các chế độ của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (LĐ) thất nghiệp góp phần đảm bảo đời sống của LĐ, đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, quay lại vào thị trường LĐ...
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long (tháng 3/2024). Ảnh tư liệu |
Chính sách BHTN bao gồm các chế độ: trợ cấp thất nghiệp (TCTN); hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người LĐ. Trong đó, TCTN là chế độ được người LĐ tham gia thụ hưởng nhiều nhất. Nếu gặp rủi ro mất việc làm, chính sách BHTN có các biện pháp nhằm thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người LĐ.
Theo ông Đặng Vinh Hiển- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) thuộc Sở Lao động-TB-XH Vĩnh Long, chính sách này có các biện pháp để hỗ trợ người LĐ tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp tìm được việc làm mới, có thu nhập, góp phần đảm bảo đời sống, an sinh xã hội.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại một ngày hội việc làm ở huyện. Ảnh tư liệu |
Thời gian qua, TTDVVL đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng TCTN của người LĐ, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người LĐ. Người LĐ nộp hồ sơ hưởng TCTN đều được tư vấn về BHTN, giới thiệu việc làm, học nghề. Những ngành nghề người LĐ chủ yếu đăng ký học là: kỹ năng giao tiếp/chế biến món ăn/pha chế đồ uống, lái xe ô tô, tin học văn phòng, vận hành xe nâng hàng,..
Tháng 7/2024, chị Bé Tám (ngụ huyện Long Hồ) đến TTDVVL làm hồ sơ hưởng TCTN sau khi nghỉ việc. Trung tâm hướng dẫn thủ tục, đồng thời tư vấn cho LĐ này tham gia khóa học nghề may công nghiệp để có tay nghề. Tại văn phòng Hòa Phú, nhân viên tư vấn, kết nối chị Bé Tám với một công ty chuyên về may mặc trong KCN Hòa Phú, để sau khi học nghề có việc làm ngay. Chị Bé Tám bày tỏ: “Tôi cảm ơn sự hỗ trợ tư vấn nhiệt tình này, tôi mong sớm tìm được việc làm trở lại”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về lựa chọn ngành nghề, công việc phù hợp với khả năng và nhu cầu thị trường lao động. |
Theo TTDVVL, từ đầu năm đến nay đơn vị tổ chức và phối hợp tổ chức khoảng 23 phiên giao dịch việc làm kết hợp “cà phê việc làm” định kỳ tại trung tâm và chi nhánh ở Hòa Phú, cùng 5 ngày hội việc làm ở tuyến huyện thu hút hàng ngàn LĐ tỉnh tham gia. Ở đó, trung tâm và các đơn vị liên kết (công ty, doanh nghiệp, cơ quan BHXH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo) đã tập trung tư vấn có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là những vấn đề người LĐ quan tâm như: học nghề, việc làm, xuất khẩu lao động, BHTN, BHXH,...
Hoạt động này đã và đang phát huy tương tác, hỗ trợ thiết thực cho người LĐ trong việc tìm kiếm việc làm, giải quyết hưởng TCTN, học nghề để có tay nghề nhằm sớm quay lại thị trường LĐ. Chung nhất, góp phần thúc đẩy thị trường LĐ tỉnh nhà phát triển ổn định và bền vững.
Đó cũng là mong mỏi cụ thể xuất phát từ chính những người LĐ- đối tượng chính thụ hưởng các chính sách về LĐ, việc làm, BHTN. Sau nhiều năm đi làm công nhân xa nhà, chị Bích Tuyền (ngụ huyện Mang Thít) quyết định về quê lập nghiệp. Trước và trong quá trình này, chị nộp hồ sơ để hưởng TCTN, đồng thời tìm hiểu và dự định tham gia học nghề làm bánh, cũng có thể “khởi nghiệp” cho bản thân mình.
Người LĐ nghỉ việc chủ yếu do thỏa thuận chấm dứt hợp đồng LĐ Theo một số liệu được tổng hợp, tại tỉnh, nguyên nhân nghỉ việc chủ yếu của người LĐ là do hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng LĐ trước hạn chiếm 95%; hết hạn hợp đồng 4,8%; còn lại là bị sa thải 0,2%. Người thất nghiệp chủ yếu là công nhân LĐ phổ thông, không có bằng cấp chứng chỉ, trình độ tay nghề thấp chiếm 89%, còn lại có bằng cấp, chứng chỉ là 11%; thuộc lĩnh vực thợ may, thêu và các thợ có liên quan lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm 47%, còn lại các nghề nghiệp khác chiếm 53%. |
Thời gian tới, TTDVVL tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người LĐ về lựa chọn ngành nghề, công việc phù hợp với khả năng và nhu cầu của thị trường LĐ, góp phần nâng cao chất lượng và số lượng LĐ được giới thiệu việc làm nhằm tiếp tục hạn chế số lượng thất nghiệp. Theo Sở Lao động-TB-XH, từ đầu năm đến nay TTDVVL đã tư vấn BHTN cho 64.767 lượt người LĐ; tiếp nhận, giải quyết và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định hưởng TCTN cho 9.951 người LĐ; hỗ trợ học nghề 1.281 LĐ thất nghiệp.
Các phiên giao dịch việc làm kết hợp “cà phê việc làm”, ngày hội việc làm đã góp phần tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh (trong ảnh), đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động các địa phương trong tỉnh. |
Trong các nhiệm vụ thời gian tới, Sở Lao động-TB-XH yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc tập trung các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đó là việc tăng cường giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo CĐ, trung cấp, theo đề án hỗ trợ đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng, LĐ thất nghiệp, LĐ có thu nhập thấp...
Đẩy mạnh liên kết đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp; tăng cường khai thác có hiệu quả các chính sách, đề án hỗ trợ người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vay vốn giải quyết việc làm...
Kịp thời nắm tình hình chuyển biến LĐ dôi ra tại các doanh nghiệp và LĐ mất việc trở về địa phương để có giải pháp tạo việc làm, sớm đưa người LĐ quay trở lại thị trường LĐ. Thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết các chế độ hưởng BHTN cho người LĐ. Nâng cao hiệu quả các phiên giao dịch định kỳ hàng tháng và các phiên giao dịch việc làm lưu động nhằm giúp người LĐ tại địa phương tìm việc làm, kéo giảm đến mức thấp nhất LĐ thất nghiệp.
Triển khai quy định mới về BHTN tại công ty, doanh nghiệp Trong các buổi tập huấn, nội dung tập trung vào các quy định mới được ban hành tại Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH, ngày 29/12/2023 của Bộ Lao động-TB-XH, có hiệu lực từ ngày 15/2/2024. Các quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH, bao gồm: bổ sung hướng dẫn tính thời gian hưởng BHTN, thêm trường hợp được bảo lưu BHTN, bỏ quy định về các trường hợp không cần thông báo tìm kiếm việc làm hàng tháng, người LĐ được đề nghị hỗ trợ học nghề tại địa phương khác nơi hưởng TCTN,... Hoạt động góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người LĐ và cán bộ quản lý về chính sách BHTN, đồng thời tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các quy định mới. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin