Ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo vào giáo dục, thầy Lê Trung Minh Phong- giáo viên Vật lý, Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm) đã sáng tạo ra những thiết bị dạy học số đạt giải cao trong các cuộc thi cấp bộ, ngành; ứng dụng vào chương trình giúp học sinh THPT học tốt hơn môn Vật lý. Đồng thời, thầy Phong còn thắp sáng đam mê sáng tạo, nêu gương tự học, rèn luyện cho học trò.
Thầy Lê Trung Minh Phong là tấm gương tự học, sáng tạo. |
Qua đó, góp phần triển khai Kết luận số 91 của Bộ Chính trị “Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học; phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”.
Sáng tạo vì học trò
Sinh ra và lớn lên ở ấp Bình Phụng, xã Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm)- quê hương Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; thầy Phong thường kể những câu chuyện về Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho học trò nghe, đặc biệt trong những tiết học về điện. “Tôi nói về quyết định xây dựng đường dây 500kV Bắc- Nam, về tâm huyết, tầm nhìn và tấm lòng của bác Sáu Dân cho học trò mình; để tôi và các em cùng phấn đấu sao cho xứng đáng khi được là “đồng hương” Thủ tướng, được học, được làm việc trong ngôi trường vinh dự mang tên Võ Văn Kiệt”.
Là người có uy tín trong ngành, thầy Phong là thành viên Hội đồng bộ môn cấp THPT. Được công nhận gương điển hình tiên tiến ngành giáo dục Vĩnh Long. Trong công tác giảng dạy, chất lượng học sinh xếp loại giỏi cá nhân của thầy luôn cao hơn chất lượng chung của trường, bình quân cao hơn 13%.
Chia sẻ nguyên nhân làm nên những “Thiết bị dạy học số”, thầy Phong cho rằng: “Nếu như học sinh có tư duy toán học không được tốt thì học Vật lý rất là vất vả. Do đó, tôi muốn dựa vào các phần mềm, dựa vào các công thức toán để lập trình ra hiện tượng mô phỏng cho học sinh thấy được, thay vì phải suy nghĩ, tưởng tượng trong đầu là nó như thế nào, như vậy là học sinh dễ học rồi.
Các thiết bị dạy học số tự làm, điển hình của thầy Phong: Mô phỏng “con lắc lò xo thẳng đứng Vật lý 11”, “công cụ vẽ hình Vật lý”. Bên cạnh, thầy Phong còn tích cực nghiên cứu phần mềm Geogebra ứng dụng vào trong Vật lý, thiết kế sản phẩm “tool vẽ hình Vật lý”,…
Với em Lê Yến Nhi- học sinh lớp 12A3, Trường THPT Võ Văn Kiệt, thì “Những tiết dạy của thầy rất thu hút và dễ hiểu. Bởi vì trong những bài giảng luôn có những hình ảnh sinh động và sáng tạo. Thầy có những mô hình mô phỏng như thật cho chúng em xem, nghe, học hay hơn”.
Mỗi khi vào lớp học, thầy Phong đóng vai trò là học sinh để hiểu các em hơn, để giảm căng thẳng trong những tiết học. Đồng thời, phải có phương pháp dạy hợp lý theo từng nhóm học sinh, từng lớp, từng năm và không đem suy nghĩ của những năm trước để áp dụng vào học sinh bây giờ. “Tôi xem học trò như những người bạn hay người em trong gia đình, từ đó giữa giáo viên và học sinh trở nên gần gũi hơn. Học sinh tin tưởng vào giáo viên và công việc giảng dạy sẽ gặp rất nhiều thuận lợi, hiệu quả”- thầy Phong nói.
Tự học, sẻ chia
Dạy học cũng là quá trình không ngừng học, để đáp ứng nhu cầu của các chương trình, dạy học đạt hiệu quả cao hơn. Chia sẻ về việc tự học, thầy Phong cùng vợ là cô Nguyễn Thị Diễm Trang- Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, làm theo gương Bác “còn sống là còn phải học”. “Chúng tôi tự học mọi lúc, mọi nơi và từ mọi người. Học để phục vụ công việc của mình, học để làm gương cho học trò, cho các con mình”.
Tốt nghiệp Trường ĐH Cần Thơ ngành Sư phạm Vật lý từ 25 năm trước, khi mà tin học còn chưa đưa vào chương trình đào tạo, thầy Phong học tin học qua những khóa bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn, học từ các clip trên YouTube, học qua bạn bè quen trên mạng,… “Rào cản về tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành làm tôi gặp nhiều khó khăn, phải tìm tòi, học hỏi thêm rất nhiều trong các từ điển chuyên ngành”- thầy Phong chia sẻ khó khăn.
Để có nhiều thời gian hơn cho tự học mà vẫn đảm bảo chất lượng công việc, chăm sóc gia đình, thầy Phong, chia sẻ: “Tôi thường xem YouTube trong lúc làm việc nhà, những việc lặt vặt không cần suy nghĩ vừa nghe, vừa làm. Nếu clip đó có nội dung hay, tôi sẽ lưu ý để nghe, học lại cẩn thận hơn khi rảnh rỗi”. Thầy Phong còn học từ học trò, đồng nghiệp, để bổ sung kiến thức. Để chia sẻ, thúc đẩy học sinh tự học, thầy Phong hướng dẫn cho học sinh tiếp cận kiến thức từ thực tế cuộc sống xung quanh mình.
Với cô Nguyễn Thị Thanh Thủy- giáo viên Vật lý, Trường THPT Võ Văn Kiệt, thì: “Thầy Phong là người luôn nghiên cứu và áp dụng các phương pháp dạy học mới vào trong giảng dạy, cụ thể thầy tham gia các nhóm Zalo, Facebook của các giáo viên trong và ngoài tỉnh để thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy. Bên cạnh đó, thầy còn đưa thiết bị dạy học số vào giảng dạy, giúp cho học sinh có được môi trường học tập năng động và hiện đại; chia sẻ nhiều phần mềm về thiết bị dạy học số cho đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường áp dụng vào giảng dạy đạt hiệu quả cao”.
Mỗi khi vào lớp học, thầy Lê Trung Minh Phong đóng vai trò là học sinh để hiểu các em hơn, để giảm căng thẳng trong những tiết học. |
Băn khoăn của thầy Phong hiện nay đó là những phim ảnh, những trò chơi bạo lực cũng như những thông tin xấu độc trên mạng xã hội thiếu sự quản lý chặt chẽ, ảnh hưởng đến nhân cách, ứng xử văn hóa của học sinh từ không gian mạng cho đến ngoài đời thật. Vì lẽ đó, thầy Phong hướng dẫn học sinh cách thức sử dụng các công nghệ hiện đại. Ví dụ như công nghệ AI phục vụ trong việc học tập rất tốt, nhưng nếu học sinh không biết cách khai thác thì sẽ đi theo con đường sai lầm trong học tập.
Những nhà giáo tiêu biểu đã góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Cần lan tỏa để có nhiều điển hình hơn, để chất lượng đội ngũ nhà giáo thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo. Như vậy, từ đội ngũ đủ tầm làm nền tảng, cơ sở vật chất đồng hành sẽ đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045 như mục tiêu Kết luận số 91 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Thầy Nguyễn Hữu Tuân- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, cho biết: “Ngoài công tác giảng dạy, thầy Phong còn quản lý tổ chuyên môn Vật lý- Công nghệ. Điểm nổi bật nhất của thầy Phong là việc nghiên cứu phần mềm phục vụ cho giảng dạy, cũng như công tác quản lý. Bên cạnh đó, thầy Phong còn nhiệt tình chia sẻ, lan tỏa các sản phẩm mà thầy nghiên cứu, nhiều thầy cô áp dụng hiệu quả; từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin