Nâng cao năng lực, nhận thức trong việc bảo vệ “sức khỏe” của đất, cũng chính là bảo vệ sự phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp. |
Theo các chuyên gia, đất lúa vùng ĐBSCL hiện đang đối mặt với tình trạng mất cân đối dinh dưỡng do khai thác quá nhiều và chưa đúng cách. Việc đẩy cao cường độ thâm canh, tăng vụ, sử dụng phân bón (PB) vô cơ chưa cân đối, chưa tuân thủ các quy trình canh tác tiên tiến đã làm mất cân bằng dinh dưỡng trong đất, làm ảnh hưởng đến các tính chất sinh học đất. Do đó, cần có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng PB, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân và giảm phát thải khí nhà kính.
Đất suy giảm chất lượng
Nằm phía cuối hạ nguồn sông Mekong, ĐBSCL là một trong những điểm nóng trên toàn cầu về biến đổi khí hậu, như: nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn đang ngày càng nghiêm trọng. Điều này, ảnh hưởng trực tiếp đến tính chất của đất, và tác động đến năng suất lúa và đời sống nông dân.
Thực tế sản xuất lúa tại ĐBSCL cho thấy, áp lực thâm canh tăng vụ dẫn đến việc sử dụng PB không hợp lý đã làm cho chất lượng đất giảm đi, có thể nói là làm cho đất bị suy thoái. Tại các vùng đất lúa 3 vụ, qua thời gian, để duy trì năng suất, nông dân buộc phải tăng lượng PB trên đồng ruộng, dẫn đến lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, canh tác lúa tại ĐBSCL còn ghi nhận thực trạng đốt rơm rạ ngay trên đồng, hay cày vùi rơm rạ ngay sau thu hoạch mà chưa được xử lý. Việc đốt rơm rạ ngay sau khi thu hoạch không chỉ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường mà còn làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng. Việc cày vùi rơm rạ chưa qua xử lý, đất luôn ngập nước sẽ làm ảnh hưởng đến chất hữu cơ trong đất, lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ và tạo ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ- nguyên Trưởng Khoa Nông nghiệp (Trường ĐH Cần Thơ), nhận định đất trồng lúa ở ĐBSCL có chỉ số đạm, lân, kali chưa đến ngưỡng báo động, nhưng độ “dễ tiêu” của đất ngày càng xuống dần.
“Thời gian qua, chúng tôi đã nghiên cứu thực trạng về độ phì nhiêu của đất lúa ở ĐBSCL, tiến hành trên 76 mẫu đất ở toàn vùng với 8 chỉ tiêu dinh dưỡng chính. Điều đáng ngạc nhiên là hàm lượng dinh dưỡng từng thành phần vẫn bảo đảm nhưng đáng chú ý là sự mất cân bằng giữa các thành phần này. Ví dụ, chỉ số Ca/Mg ở một số vùng dưới 1 trong khi theo khuyến cáo từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế IRRI chỉ số này tốt nhất phải từ 3-4. Sự mất cân bằng này làm cho cây lúa hấp thu dinh dưỡng kém, hiệu quả và năng suất giảm. Để khắc phục tình trạng này, nông dân cần phải cải tiến kỹ thuật canh tác và áp dụng các giải pháp sử dụng PB hợp lý”- GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cho biết.
Cần có giải pháp để cải thiện "sức khỏe" cho đất. |
Theo các chuyên gia, là vựa lúa của cả nước, với diện tích đất gieo trồng hàng năm khoảng gần 4 triệu hecta, việc canh tác lúa của nông dân vùng ĐBSCL đã và đang có những chuyển biến trong phương thức canh tác, chuyển dần sang cơ giới hóa. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật với công nghệ tiên tiến được áp dụng vào sản xuất giúp giảm lượng giống một cách đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận nông dân hiểu biết chưa đầy đủ về chất đất, độ phì đất, pH đất lúa nên vẫn còn áp dụng các kỹ thuật canh tác truyền thống, làm ảnh hướng đến chất lượng đất trồng lúa. Và để canh tác lúa ở ĐBSCL được bền vững, rất cần một giải pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa giúp canh tác hiệu quả mà không ảnh hưởng, làm suy giảm chất lượng đất.
Cần có giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón
Tại Hội thảo quốc gia “Đất và PB” lần thứ nhất năm 2024, với chủ đề “Thực trạng độ phì nhiêu đất lúa vùng ĐBSCL và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng PB trong canh tác lúa”, các chuyên gia đã đánh giá thực trạng độ phì của đất trồng lúa vùng ĐBSCL trong 5 năm gần đây. Từ đó xác định yếu tố hạn chế của đất để đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng PB, giảm chi phí, tăng thu nhập, giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Đánh giá về độ phì thực tế của đất có nghĩa là đánh giá trong khoảng 5 năm gần đây những biến động về độ phì thực tế của đất đai sẽ tác động như thế nào đến việc canh tác. Chúng ta đang hướng tới Đề án 1 triệu hecta với những trọng tâm là giảm chi phí, tăng giá trị, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh đều liên quan đến đất đai. Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những vấn đề còn khiếm khuyết trong canh tác lúa của ĐBSCL ở các vùng sinh thái, giống lúa khác nhau, từ đó, tìm ra được những hướng giải quyết một cách phù hợp”.
Từ cơ sở thực trạng đã nêu ở trên, hội thảo cũng đã trình bày, báo cáo các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng PB trong canh tác lúa, đó là quy trình canh tác lúa thông minh gắn tăng trưởng xanh, phát thải thấp vùng ĐBSCL trong Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao cho kết quả tích cực trong vụ Hè Thu 2024. Trong đó, trọng tâm là giảm lượng giống (còn dưới 80 kg/ha); ứng dụng công nghệ vào trong việc sạ lúa (ứng dụng công cụ sạ hàng, sạ cụm để giảm lượng giống nhưng đảm bảo năng suất); tuân thủ quy trình rút nước ướt khô xen kẽ. Đây là điều quan trọng để giúp lượng khí phát thải trên đồng ruộng và giúp rễ lúa ăn sâu hơn, hạn chế quá trình đổ ngã và cuối cùng là không đốt đồng, mà đem rơm sau khi thu hoạch để phục vụ mục đích khác.
Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, để giải quyết vấn đề này cần giải pháp kỹ thuật từ nông dân và giải pháp từ PB. Cụ thể, rơm rạ không nên đốt, bán đi, mà cần trả lại, vùi lại trong đất bằng xử lý chế phẩm vi sinh; làm cho tầng canh tác trở nên dày hơn, lý tưởng từ 10-15cm, thay vì làm 7-8cm như hiện nay; cần có thời gian phơi ải đất, thời gian phơi đất trong khoảng 3 tuần là lý tưởng. Đồng thời, làm những rãnh nước trên đồng ruộng, việc này sẽ có ảnh hưởng tới độ phì của đất. Sau một thời gian phơi ải thì tới thời gian ngâm đất khoảng 2 tuần để cải thiện độ chua của đất. Giải pháp cuối là sử dụng PB tác động vào đầu vụ.
Để canh tác lúa ở ĐBSCL được bền vững, nông dân cần áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa. |
TS Phùng Hà- Chủ tịch Hội PB Việt Nam, cho biết: Việc sử dụng kết hợp PB vô cơ và hữu cơ sinh học một cách hài hòa sẽ giúp sản xuất lúa bền vững và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, nông dân nên áp dụng sáng kiến “4 đúng” trong quản lý PB: đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng lúc và đúng cách.
Các chuyên gia nông nghiệp cũng đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực trong việc phát triển lúa bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bón phân đừng nghĩ đến PB mà nghĩ tới đất đai và cây trồng trước. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì tình trạng lạm dụng PB như hiện nay thì vài chục năm sau con cháu chúng ta có còn canh tác được nữa không. Chúng ta cần phải thay đổi tư duy và hành động để giải phóng dinh dưỡng trong đất. Bên cạnh đó cần nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý rơm rạ trên đồng ruộng.
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin