Từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long diễn biến phức tạp và tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp nên tốc độ lây truyền rất cao, một người mắc có thể lây nhiễm cho khoảng 20 người khác và hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.
Trẻ mắc bệnh sởi điều trị tại Khoa Nhi BVĐK tỉnh Vĩnh Long vào ngày 25/10/2024. |
Bệnh sởi tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 20/10, toàn tỉnh ghi nhận gần 220 trường hợp nghi sởi, trong đó có 72 ca bệnh sởi (tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái là 8 ca), số còn lại đang đợi kết quả xét nghiệm. Điều đáng lưu ý, bệnh có chiều hướng gia tăng.
Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó trưởng Khoa Nhi BVĐK tỉnh Vĩnh Long, từ đầu tháng 10 đến nay, Khoa Nhi tiếp nhận, điều trị nội trú cho 15 trẻ mắc sởi. Trẻ mắc bệnh sởi trong tình trạng sốt, phát ban và kèm theo triệu chứng hô hấp.
“Đáng chú ý, đa số các trẻ này chưa tiêm vaccine phòng bệnh sởi, hệ miễn dịch không đủ phòng ngừa virus sởi xâm nhập. Bên cạnh đó, cũng phát hiện một số trẻ đã tiêm vaccine ngừa sởi nhưng vẫn bị mắc, tuy nhiên triệu chứng nhẹ hơn”- BS Chí Công cho biết.
Bé trai 8 tháng tuổi (ở xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) sau 6 ngày sốt, sổ mũi, nổi ban rải rác toàn thân, kết mạc mắt đỏ, mi mắt sưng, đau họng nên được mẹ đưa đến BVĐK tỉnh Vĩnh Long nhập viện, điều trị. Bệnh nhi được chẩn đoán bệnh sởi biến chứng viêm phổi. Hiện bé ăn uống được, ho ít, tỉnh, ban rải rác và kết mạc mắt.
Ngồi ôm con trai 11 tháng tuổi mắc bệnh sởi, chị Thái Thị Thanh Phương (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) cho hay, bé có triệu chứng sốt cao 3 ngày, nên chị đưa bé vào nhập viện để theo dõi. Trong 2 ngày nhập viện, bé bắt đầu phát ban, quấy khóc, không ăn uống được gì và đang theo dõi viêm phổi. Do con hay bệnh nên chị chưa tiêm ngừa sởi cho con.
“Bệnh sởi ban đầu biểu hiện là sốt cao, ho nhiều, chảy mũi, đỏ mắt và 3-4 ngày sau sẽ phát ban. Sau khi phát ban, trẻ vẫn còn sốt cao thêm 4-5 ngày. Bệnh thường lành tính nhưng cũng có những trường hợp biến chứng: viêm phổi, viêm tai, đi tiêu đàm máu, viêm não... Phòng ngừa tốt nhất hiện nay là tiêm ngừa vaccine sởi ngay khi đủ tháng, đồng thời nhớ lịch tiêm nhắc lại để trẻ có miễn dịch. Ngoài ra, phụ huynh khi thấy trẻ có biểu hiện sốt kèm viêm đường hô hấp trên, viêm kết mạc… cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm”- Phó trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo.
Tăng cường tiêm vaccine ngừa sởi
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, có khả năng gây ra các biến chứng nặng nề như viêm phổi, nhiễm trùng ruột, viêm não... và tử vong. Đáng chú ý, virus sởi lây rất nhanh, chủ yếu tấn công vào nhóm trẻ chưa được chủng ngừa vaccine hoặc đã tiêm ngừa nhưng không đủ liều, từ đó lây lan cho các nhóm đối tượng có hệ miễn dịch kém khác.
Bên cạnh đó, những trẻ này có khả năng trở thành “cầu nối” lây nhiễm cho người lớn chưa được chủng ngừa sởi trước đây, thậm chí lây cho cả trẻ nhỏ chưa đến tuổi chỉ định tiêm ngừa sởi. Đối với những trẻ dưới 1 tuổi đã mắc sởi, nhiều khả năng do mẹ không có kháng thể kháng sởi. Chỉ khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95% với 2 liều vaccine, bệnh sởi để tăng tỷ lệ miễn dịch và phòng, chống bệnh sởi trong cộng đồng.
Trước diễn biến của bệnh sởi gia tăng, tỉnh Vĩnh Long sẽ triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi- rubella từ ngày 28/10/2024. Mục tiêu nhằm tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi trong toàn tỉnh và nhân viên y tế có nguy cơ cao.
BS Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khuyến cáo, để đảm bảo miễn dịch cộng đồng, giảm số ca mắc sởi và tử vong do bệnh sởi, phụ huynh có con trong độ tuổi từ 1-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi khẩn trương đưa trẻ đến các trạm y tế nơi cư trú để được tiêm vaccine sởi hoàn toàn miễn phí trong chiến dịch lần này. Sau khi trẻ được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo lịch tiêm chủng hoặc sau khi trẻ mắc sởi thì trẻ sẽ có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.
“Bên cạnh đó, để phòng bệnh sởi, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, vệ sinh thân thể, vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Hạn chế tiếp xúc với người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sởi như sốt, phát ban và kèm theo ho hoặc chảy nước mũi cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời, phòng biến chứng nặng xảy ra”- BS Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin