Thời gian này, chính quyền các địa phương đã và đang “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động, hướng dẫn người dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Tính từ thời điểm bắt đầu từ ngày 6/5, đến nay việc lấy ý kiến người dân đã đi được hơn nửa chặng đường, đến 5/6.
Để hiện thực hóa tinh thần “ý Đảng- lòng dân”, Quốc hội đã chính thức triển khai lấy ý kiến toàn dân cho dự thảo nghị quyết sửa đổi Hiến pháp. Điều đáng ghi nhận là lần này, công tác lấy ý kiến Nhân dân đã được chuẩn bị khá chu đáo, với các hình thức đa dạng, tiện lợi. Người dân có thể đóng góp ý kiến qua Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Chính phủ, hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm. Tổ chức lấy ý kiến tại địa phương, cơ quan, đoàn thể, MTTQ, hội nghề nghiệp, các trường ĐH, viện nghiên cứu… Đồng thời, qua ứng dụng định danh điện tử VneID, người dân tham gia góp ý trực tiếp, nhanh chóng. Đây là một nỗ lực lớn trong việc tận dụng công nghệ và hạ tầng số để mở rộng quyền tham gia của người dân trong tiến trình lập hiến.
Không chỉ dừng lại ở mặt kỹ thuật hành chính, theo các chuyên gia, Hiến pháp được sửa đổi còn là bước đệm để phát huy tốt hơn vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội. Khi được trao thêm cơ sở hiến định rõ ràng, những thiết chế này sẽ có điều kiện thể hiện đầy đủ hơn vai trò và đại diện tiếng nói Nhân dân, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với quần chúng, góp phần tăng cường dân chủ, nâng cao chất lượng phản biện và giám sát xã hội- những điều kiện tiên quyết cho sự đồng thuận và ổn định lâu dài.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sự đồng thuận cao của Nhân dân và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, Quốc hội, việc sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ tạo ra thay đổi cho tiến trình xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Đó không chỉ là khát vọng của Đảng, của Quốc hội, mà là ước mơ chính đáng của hàng triệu người dân Việt Nam.
Với tinh thần dân chủ, cầu thị và trách nhiệm, phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Quốc hội đã khẳng định rõ vai trò trung tâm của người dân trong quá trình sửa đổi Hiến pháp: “Phải lắng nghe ý kiến nhân dân để tập trung sửa đổi Hiến pháp”.
Quá trình sửa đổi Hiến pháp 2013 lần này là dịp quan trọng để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền và vai trò làm chủ của Nhân dân.
TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin