Sốt xuất huyết trở thành mối đe dọa sức khỏe toàn cầu

05:06, 26/06/2024

Tại Hội nghị thượng đỉnh sốt xuất huyết (SXH) châu Á mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng SXH đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, gia tăng mạnh và không còn là vấn đề của riêng Đông Nam Á hay châu Á, mà đã trở thành gánh nặng toàn cầu.

(VLO) Tại Hội nghị thượng đỉnh sốt xuất huyết (SXH) châu Á mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng SXH đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, gia tăng mạnh và không còn là vấn đề của riêng Đông Nam Á hay châu Á, mà đã trở thành gánh nặng toàn cầu.

Theo thống kê của WHO, từ năm 2000-2019, số người mắc bệnh SXH trên thế giới tăng 10 lần, từ 500.000 lên 5,2 triệu trường hợp, lan rộng 129 quốc gia. Tính đến ngày 30/4, có hơn 7,6 triệu ca SXH được ghi nhận.

Đáng lưu ý, 70% gánh nặng bệnh tật SXH là ở châu Á. Sở dĩ SXH hoành hành ở nhiều quốc gia là do thay đổi sự phân bố và gia tăng đa dạng các trung gian truyền bệnh (muỗi vằn).

Đây còn là hậu quả của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu dẫn đến nhiệt độ tăng, lượng mưa và độ ẩm cao thuận lợi cho muỗi vằn phát triển.

Tại hội nghị, với chủ đề “Hướng tới không có ca tử vong do SXH”, các chuyên gia y tế đã cung cấp một nền tảng để các nhà hoạch định chính sách kết nối và học hỏi chiến lược thành công của các quốc gia:

Những tiến bộ nổi bật trong kiểm soát muỗi vằn, các mô hình hóa, vaccine… cung cấp các phương pháp tiếp cận mới để ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả. Mục đích chính nhằm hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong do SXH bằng 0 vào năm 2030.

Trước mắt, để đối phó với nguy cơ này, hiện nay có 2 vaccine ngừa SXH được WHO phê duyệt gồm Dengvaxia và Qdenga. Vào tháng 5/2024, lần đầu tiên Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt vaccine SXH Qdenga.

Theo nhận định của WTO, dân số càng tăng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nguy cơ mắc SXH được dự đoán còn cao hơn nữa. Điều này đòi hỏi nỗ lực kiểm soát bệnh bền vững trên toàn cầu. Nhóm chuyên gia khuyến nghị các quốc gia có gánh nặng về bệnh SXH cần áp dụng thêm biện pháp vaccine.

Theo đó, cùng với các biện pháp giám sát và kiểm soát muỗi vằn, vaccine an toàn và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc giảm gánh nặng SXH và đó được xem là “vũ khí mới đối phó với dịch bệnh” mang đến kỳ vọng về tương lai không còn ca tử vong do SXH.

AN NHIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh