Đạt giải gạo ngon và luôn giữ vị trí hàng đầu thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu, song do hầu hết gạo Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, chưa có thương hiệu riêng. Điều này dẫn đến giá trị mang lại chưa tương xứng với tiềm năng và công sức của người trồng lúa.
Đạt giải gạo ngon và luôn giữ vị trí hàng đầu thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu, song do hầu hết gạo Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, chưa có thương hiệu riêng. Điều này dẫn đến giá trị mang lại chưa tương xứng với tiềm năng và công sức của người trồng lúa.
So với các nước như Thái Lan, Campuchia… gạo Việt Nam đang có lợi thế rất lớn để xuất khẩu vào Liên minh Châu Âu (EU) từ Hiệp định Thương mại tự do. Điều đáng tiếc là gạo Việt thua về thương hiệu, dù chất lượng có thể tốt hơn.
Mặc dù thời gian qua đã có một số hoạt động xây dựng thương hiệu gạo như gạo thơm ST ở Sóc Trăng, một bụi đỏ Hồng Dân ở Bạc Liêu… nhưng còn riêng lẻ, thiếu phối hợp và hỗ trợ của Nhà nước.
Tại hội thảo tham vấn hoàn thiện chính sách, pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, hồi tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, việc gạo ST25 bị đơn vị nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền, doanh nghiệp phải tự đi xử lý để bảo vệ mình là bài học xương máu cho xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Ông Hồ Quang Cua- “cha đẻ” gạo ST25 cũng cho biết, sau khi gạo ST25 đoạt giải ngon nhất thế giới năm 2019, doanh nghiệp liên tục phải ứng phó với tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên khắp thế giới cũng như trong nước, và “phải gồng mình lắm mới vượt qua được”.
Liên quan đến vấn đề này, tại phiên chất vấn của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương- Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo (Nghị định 107) đã phát sinh nhiều điểm bất cập. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công Thương tích cực xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung hướng tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Theo đó, dự thảo nghị định (đang được lấy ý kiến, tổng hợp để hoàn thiện) hướng tới sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ báo cáo thống kê hợp đồng xuất khẩu và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo hướng chặt chẽ, chế tài xử lý cao, mang tính răn đe nhằm hạn chế tình trạng thương nhân chậm và không thực hiện chế độ báo cáo.
Sửa đổi, bổ sung quy định rõ thời gian hậu kiểm của các sở công thương sau khi được nhận giấy chứng nhận xuất khẩu gạo. Sửa đổi, bổ sung cơ chế, phương thức phối hợp cụ thể giữa bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan trong tổ chức điều hành xuất khẩu, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc hiệu quả trong thực thi chính sách.
Bổ sung các biện pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại đối với hàng lúa gạo, đặc biệt “xây dựng thương hiệu gạo phải là thương hiệu của Việt Nam chứ không phải thương hiệu của địa phương, càng không phải là thương hiệu của một sản phẩm cụ thể”. Đồng thời, bổ sung quy định rõ ủy thác xuất khẩu và nhận ủy thác xuất khẩu gạo, trong đó có thương nhân ủy thác và nhận ủy thác phải có giấy chứng nhận có quyền về kinh doanh xuất khẩu thì mới được thực hiện...
N. HOÀNG