Cần "chữ tín" trong tiêu thụ lúa gạo

05:05, 09/05/2024

Cần thiết lập kênh thông tin kết nối, chia sẻ mật thiết giữa các thành phần tham gia trong chuỗi liên kết. Đặc biệt là tăng cường hợp tác liên kết và duy trì mối hợp tác ổn định, lâu dài cùng nhau chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích để xây dựng lòng tin dựa vào "chữ tín" giữa các bên…

 

Cần thiết lập kênh thông tin kết nối, chia sẻ mật thiết giữa các thành phần tham gia trong chuỗi liên kết. Đặc biệt là tăng cường hợp tác liên kết và duy trì mối hợp tác ổn định, lâu dài cùng nhau chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích để xây dựng lòng tin dựa vào “chữ tín” giữa các bên…

Đó là một trong những mấu chốt quan trọng để phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo, được nhiều đại biểu chia sẻ tại hội thảo: “Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo” tại TP Cần Thơ mới đây.

Theo Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, tổng sản lượng lúa hàng vụ ở ĐBSCL do nông dân sản xuất sẽ được phân phối qua các kênh tiêu thụ: thương lái chiếm hơn 49%, HTX 32%, nhà máy xay xát hơn 12% và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo chỉ hơn 6,5%... Từ đó cho thấy, thương lái từ lâu được xem là lực lượng “nòng cốt” trong hoạt động mua bán lúa gạo giữa nông dân với doanh nghiệp. Lực lượng này giúp doanh nghiệp đỡ căng thẳng về tiền vốn bỏ ra. Hơn nữa, nông dân cũng thích làm việc với lực lượng này bởi sẽ được trả tiền mặt ngay sau khi cân lúa.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch ngành hàng lúa gạo Việt Nam Trần Minh Hải, bên cạnh những mặt tích cực mang lại thì thời gian qua liên tục xuất hiện câu chuyện “cò lúa”, thương lái ép giá người dân bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn như thương lái đưa hợp đồng soạn sẵn, nông dân chỉ cần điền số CCCD, địa chỉ, diện tích thu hoạch và đưa vào điều khoản đặt cọc. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch nếu nông dân không thực hiện theo hợp đồng thì bồi thường nhiều lần tiền cọc. Bên cạnh, việc thỏa thuận mua bán với HTX và nông dân thường dựa trên “hợp đồng miệng”. Khi giá lúa biến động bất lợi, thương lái có thể dùng chiêu trò để đẩy thiệt hại về phía nông dân…

Vì thế, để phát triển liên kết bền vững, nhiều đại biểu kiến nghị cần thiết lập kênh thông tin kết nối, chia sẻ mật thiết giữa các thành phần tham gia trong chuỗi liên kết từng địa phương. Hợp tác liên kết và duy trì mối hợp tác ổn định, lâu dài cùng nhau chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích để xây dựng lòng tin dựa vào “chữ tín” giữa các bên. Với đội ngũ thương lái, cần thiết được đăng ký hành nghề, tập hợp vào các nhóm, các CLB trên cơ sở tự nguyện để cùng trao đổi kinh nghiệm, về kỹ thuật bảo quản, vận chuyển, chế biến... Từ đó, giảm tình trạng “bẻ kèo”, nói không với những hành vi thiếu lành mạnh như mua bán nông sản kém chất lượng hay trục lợi, cấu kết, gây chia rẽ, tác động tiêu cực đến giá cả.

Ông Trần Minh Hải cũng đề xuất, các địa phương vùng ĐBSCL cần đẩy mạnh sàn giao dịch bán lúa để kết nối người mua và người bán. Theo đó, từ khi bắt đầu xuống giống thì kê khai thông tin để người mua thấy, thương lái nào có nhu cầu thì cung cấp hồ sơ để được kết nối- như cách mà Grab, Uber đã làm!

N. HOÀNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh