Giải pháp toàn diện cho nguồn nước ĐBSCL

05:04, 27/04/2024

ĐBSCL đang đối diện nhiều mối nguy cơ về an ninh nguồn nước. Chúng ta cần xác định bản chất của vấn đề, từ đó mới có những giải pháp, chuỗi giải pháp mang tính tổng thể, khoa học và toàn diện.

ĐBSCL đang đối diện nhiều mối nguy cơ về an ninh nguồn nước. Chúng ta cần xác định bản chất của vấn đề, từ đó mới có những giải pháp, chuỗi giải pháp mang tính tổng thể, khoa học và toàn diện. Đây là câu chuyện vừa khoa học tự nhiên, vừa mang bản chất của văn hóa trong một quá trình lịch sử hàng ngàn năm và tầm nhìn định hướng ổn định cho hiện tại và cả tương lai hàng trăm năm tới.

Nói đến nguồn nước, ĐBSCL có nhiều nguồn nước, nhưng quan trọng, cốt tử vẫn là nguồn nước sông Mekong, mà chúng ta hoàn toàn không chủ động, cũng như chưa thể can thiệp một cách hữu hiệu qua những hiệp hội, ủy hội liên quốc gia; đồng thời đồng bằng là khu vực dễ tổn thương nhất trong toàn bộ hệ thống lưu vực của sông Mekong. Yếu tố của thời đại từ những tác động của con người đã xâm phạm thô bạo vào hệ sinh thái tự nhiên của con sông đi qua 6 nước, cùng với những tác động nội vùng.

Như vậy chúng ta cần xác định giải pháp “từ bên trong, lẫn bên ngoài” và cần đồng bộ được định hướng trên cùng quan điểm thống nhất của cả 6 quốc gia cùng thụ hưởng chung dòng chảy. Đó là dòng chảy tự nhiên, còn là dòng chảy của văn hóa của những cộng đồng cư dân được hình thành từ hệ sinh thái của sông Mekong.

Chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các quốc gia là yếu tố quan trọng, lúc đó cần sự công khai, minh bạch cho mọi công trình nhân tạo khai thác con sông; do đó, cần có “bản đồ nước” trên toàn hệ thống dòng chảy, thông qua ứng dụng công nghệ số có thể kiểm soát, giám sát lẫn nhau trong nội bộ 6 nước cũng như các nhà khoa học, các chuyên gia ngoài khu vực.

Những tác động ngăn đập và xẻ kênh khác nào “rút máu” cạn kiệt cơ thể con sông này. ĐBSCL nơi cuối cùng của dòng chảy trước khi đổ ra biển, sẽ là khu vực… lãnh đủ. Chúng ta cần sự góp ý, góp sức của cộng đồng khoa học quốc tế, những tiếng nói bằng nhiều con đường nhằm tác động đến những công trình xâm phạm thô bạo đến dòng chảy.

Đồng thời, chính tại nội vùng khu vực ĐBSCL cần có định hướng, giải pháp phù hợp, hạn chế những can thiệp bằng những giải pháp “cứng” công trình làm cho chính chúng ta xâm hại hệ sinh thái lưu vực hạ nguồn của chúng ta. Cùng với hệ thống đê bao, các cao trình của khu vực dân cư, đô thị hóa, đặc biệt, những công trình giao thông, cao tốc “góp thêm” vào hệ thống “bóp nghẹt” dòng chảy tự nhiên của các dòng sông lớn nhỏ trong khu vực, nếu chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách cẩn thận, khoa học.

NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh