Phát triển nhân lực ngành bán dẫn

Cập nhật, 04:23, Thứ Sáu, 26/04/2024 (GMT+7)

Trong bối cảnh hiện nay, do nhiều lý do khác nhau, ngành công nghiệp bán dẫn đang có xu hướng đa dạng hóa, chuyển dịch chuỗi liên kết, cung ứng, sản xuất, nghiên cứu sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội và cũng là thách thức với Việt Nam, khi đòi hỏi phải có hạ tầng, thể chế và nhân lực phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn.

Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, do Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ KH-ĐT vừa tổ chức. Theo Thủ tướng, nhân lực cũng một trong những yếu tố được các đối tác trông chờ ở Việt Nam. Nếu chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì Việt Nam sẽ nhận được tin tưởng của các đối tác, xúc tiến thu hút đầu tư, phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng bán dẫn.

Từ cuối năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, với mục tiêu đào tạo 50.000-100.000 kỹ sư bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề xuất 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đề án. Đó là đào tạo giảng viên, sinh viên hệ chính quy; đào tạo nhân lực trình độ sau ĐH; đào tạo hệ ngắn hạn, chuyển tiếp; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển.

Đầu tư cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo. Thu hút chuyên gia, nhân tài. Tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các giải pháp về hợp tác quốc tế, truyền thông và hỗ trợ triển khai khác.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, sau Trung Quốc, bằng nửa Trung Quốc. Việt Nam cũng là một trong số ít nước có 20 năm làm công nghiệp bán dẫn, có những nền tảng bước đầu.

Việt Nam có lắp ráp, có thiết kế, casting với khoảng trên 6.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, đi kèm lợi thế còn có nhiều thách thức, đòi hỏi cần phải có lộ trình; phát triển công nghiệp bán dẫn đi cùng phát triển công nghiệp chủ lực và công nghiệp chuyển đổi số. Xác định nhân lực là “lõi” để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn. Cùng với thu hút FDI, nên lấy lợi thế địa chính trị, nhân lực, hạ tầng là chính để tạo ra sức cạnh tranh của mình.

YÊN HƯƠNG