Tình yêu và sự trân trọng dành cho ngôn ngữ dân tộc

04:10, 07/10/2023

Ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng "định vị" một dân tộc, tộc người, nhóm tộc người. Ngôn ngữ mang bản sắc văn hóa đặc trưng nhất và cũng là công cụ nền tảng giao tiếp cho toàn bộ hoạt động trên các lĩnh vực của "con người xã hội".

Ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng “định vị” một dân tộc, tộc người, nhóm tộc người. Ngôn ngữ mang bản sắc văn hóa đặc trưng nhất và cũng là công cụ nền tảng giao tiếp cho toàn bộ hoạt động trên các lĩnh vực của “con người xã hội”.

Ngôn ngữ cũng là biểu trưng cao nhất cho tính độc lập, tự chủ của một dân tộc. Nhưng cũng có lúc, có nơi và có người chưa nhận thức một cách sâu sắc nhất vai trò của ngôn ngữ đối với dân tộc. Phai nhạt tình yêu với tiếng mẹ đẻ, là nguy cơ lớn làm chồng lấn những lớp ngôn ngữ ngoại lai, những loại hình ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ bất chính thống… tiếng mẹ đẻ cũng theo đó dần bị pha trộn hổ lốn.

Xã hội hiện đại có rất nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, đã tác động tiêu cực đến vốn ngôn ngữ giàu đẹp của dân tộc. Nổi cộm, có thể thấy thời đại số bùng nổ ngoài mặt tích cực, thiết yếu, nó như những lớp sóng dồn dập có thể cuốn phăng những giá trị văn hóa của tiếng mẹ đẻ.

Thói quen giao tiếp mạng thường nhật đã dần phá vỡ mọi cấu trúc ngữ pháp, mọi tầng ngữ nghĩa chiều sâu của tiếng Việt; cộng với những lớp ngôn ngữ lai căng được một nhóm người, một lớp người có sức ảnh hưởng xã hội dễ truyền bá rộng rãi trong cộng đồng.

Mối nguy cơ từ chương trình giáo dục ngữ văn ở các bậc học phổ thông, những bộ sách và cách giảng dạy môn Văn thay đổi xoành xoạch bất tuân những quy tắc mà ngôn ngữ đã được hình thành qua quá trình lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc. Ngôn ngữ dần mất đi vẻ đẹp lung linh và cũng có nguy cơ “tuyệt chủng” sự phong phú của phương ngữ tiếng Việt. Đây là trách nhiệm của ngành giáo dục.

Những ai đang quan tâm, đang trăn trở về những điều này, hẳn sẽ thật vui về thông tin chương trình ra mắt sách và giao lưu với tác giả Nguyễn Thùy Dung với chủ đề: “Một chuyến tầm phương” vào ngày 8/10 tại TP Hồ Chí Minh.

Có thể hiểu như một cuộc truy tìm con đường, định hướng để trở về với nguồn cội ngôn ngữ chăng. Cũng có thể ngụ ý sâu xa là truy tìm hương thơm, vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc. “Ý tại ngôn ngoại”, quan trọng đây là chương trình sẽ rất hay, rất ý nghĩa trong hoàn cảnh sử dụng ngôn ngữ dân tộc như hiện nay.

Tại đây, tác giả sẽ tiếp tục cho ra mắt quyển sách quý có tên gọi “Cổ mỹ từ”, nó như một cuộc khai quật, khám phá trong tầng sâu của thời gian, những “viên ngọc” ngôn ngữ bị chồng lấp, bị lãng quên, không còn được dùng tới nữa, nhưng chúng không phải là “tử ngữ” như tiếng Hán của Trung Quốc.

Bởi chúng ta hy vọng qua đây sẽ có một số mỹ từ được nhiều người quan tâm, được sử dụng theo một cách nào đó và những “viên ngọc” mỹ từ xa xưa của dân tộc sẽ sống lại với thời đại hôm nay.

Bao nhiêu ý nghĩa đó thôi cũng đủ để những ai yêu tiếng Việt quan tâm, ủng hộ.

NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh