Sẽ trình cải cách tổng thể chính sách tiền lương trong năm 2024

06:10, 04/10/2023

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo gửi Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức. Trong báo cáo đã nêu rõ sẽ trình Trung ương, Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 trong năm 2024.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo gửi Quốc hội về công tác quản lý cán bộ, công chức. Trong báo cáo đã nêu rõ sẽ trình Trung ương, Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 trong năm 2024.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, về chế độ tiền lương thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương, Chính phủ đã ban hành nghị quyết, giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng 6 nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm.

Đồng thời, gắn với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các giải pháp tài chính tạo nguồn cho cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay do tác động bất lợi của nhiều yếu tố, đặc biệt là đại dịch COVID-19 làm cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nên Trung ương đã xem xét, quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27.

Từ ngày 1/7/2023, Chính phủ đã ban hành nghị quyết điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%). Việc này để giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức lương cơ sở cho phù hợp.

Tuy nhiên, nghị quyết kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023), Quốc hội yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo lộ trình cải cách chính sách tiền lương. Thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị và Quốc hội, Chính phủ sẽ trình Trung ương, Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27 kể từ ngày 1/7/2024.

Tại buổi tiếp xúc cử tri mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động-TB-XH Đào Ngọc Dung thông tin, cải cách chính sách tiền lương là việc không thể không làm và sẽ có nhiều điểm mới, lộ trình bắt đầu từ việc bãi bỏ lương cơ sở. Đây là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Bên cạnh việc bỏ lương cơ sở, Chính phủ sẽ thiết kế song song 5 bảng lương mới, gồm: bảng lương đối với lãnh đạo, cán bộ quản lý; bảng lương của đối tượng làm chuyên môn nghiệp vụ; bảng lương đối với lực lượng vũ trang...

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023, Chính phủ thông tin những năm qua, trong bối cảnh vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch COVID-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, chúng ta vẫn tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết số 27 của Trung ương khóa XII. Đây là nỗ lực rất lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Nội vụ rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách để thực hiện phương án cải cách tiền lương.

Dự kiến, tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2023 (phiên họp thứ 27) chuẩn bị cho chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các báo cáo tình hình kinh tế- xã hội, tài chính, ngân sách và lộ trình cải cách tiền lương sau khi được Trung ương xem xét, có kết luận.

AN NHIÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh