"Những hạt phù sa bồi lắng nên cồn bãi"

06:10, 28/10/2023

Đó như một giấc mơ về văn học thiếu nhi của vùng đất Tây Nam Bộ, qua "điểm danh" sơ sơ thật đáng ngạc nhiên và cũng thật đáng mừng vùng đất này đang có một lực lượng sáng tác hùng hậu trải đều ở các lứa tuổi, mà phần lớn là các cây bút trẻ trung, sung sức.

Đó như một giấc mơ về văn học thiếu nhi của vùng đất Tây Nam Bộ, qua “điểm danh” sơ sơ thật đáng ngạc nhiên và cũng thật đáng mừng vùng đất này đang có một lực lượng sáng tác hùng hậu trải đều ở các lứa tuổi, mà phần lớn là các cây bút trẻ trung, sung sức. Cùng với đó là số lượng đầu sách dành cho thiếu nhi khá đầy đặn và đa dạng. Nhiều tên tuổi rất trẻ nổi lên với những tác phẩm đầu tay nhưng cho thấy bút lực mạnh mẽ có thể đủ sức cho đường dài.

Độc giả cả nước nhiều năm qua đã quá quen thuộc với những cái tên: Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Trần Tùng Chinh, Lê Minh Nhựt… Gần đây, đã nối dài thêm những tên tuổi mới đáng kỳ vọng như: Trương Chí Hùng, Nguyễn Quang Trạng, Phát Dương, Nguyễn Chí Ngoan…

Chỉ tính riêng trong năm 2023, có thể thấy văn học thiếu nhi miền Tây đang có “vụ mùa bội thu”, với sự xuất hiện nhiều tác phẩm ấn tượng và khá đa dạng về lối viết, thể loại.

Cô giáo tiểu học ở TT Chợ Vàm (Phú Tân, An Giang)- Võ Diệu Thanh tiếp tục cho thấy sự sung mãn, độ chín sáng tác với tác phẩm “Thiên thần Ốc Tiêu”, có lẽ chị đã trở thành chất xúc tác cho vùng đất đầu nguồn An Giang xuất hiện nhiều cây bút trẻ nhiều tiềm năng như: Trương Chí Hùng với tác phẩm “Sống cùng nước”; Lê Quang Trạng với “Cá linh đi học”; Trần Tùng Chinh với “Mùa hè năm ấy có cơn mưa rào”; Giai Du với “Chiều chiều quạ nói với diều”. Kiên Giang cũng góp mặt tác phẩm “Căn Cước U Minh” của tác giả Nguyễn Chí Ngoan, tác phẩm truyện dài “100 cửa sổ” của Phát Dương (TP Cần Thơ)…

Nếu tính rộng ra trong vòng vài năm gần đây, riêng An Giang đã nổi lên gần 20 cây bút mới, đặc biệt thiên hướng sáng tác cho thiếu nhi, đây là lĩnh vực khá vắng vẻ người viết và những tác phẩm chất lượng trong nhiều năm qua.

Đây là sự khởi sắc đáng mừng của văn học Tây Nam Bộ, nhưng nó vẫn có gì đó còn… hiền hiền, còn lặng lẽ tựa như những hạt phù sa, làm sao tạo nên niềm hứng khởi sáng tác mạnh mẽ, tạo nên một dòng chảy cuồn cuộn, ngồn ngộn phù sa bồi đắp nên những cồn bãi rộng lớn cho nền văn học vùng đất này.

Chất liệu sống thấm đẫm bản sắc Nam Bộ cần có những tên tuổi mới, có thể vượt qua những “chiếc bóng” sừng sững nhiều thập niên qua như: Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức…?

Tháng 9 vừa qua, nhà văn trẻ Lê Quang Trạng là đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn Văn học châu Á lần thứ 5/2023 tổ chức tại Gwangju (Hàn Quốc). Khi chia sẻ đến bạn bè trong nước cũng như khu vực, anh không giấu niềm tự hào khi khu vực Tây Nam Bộ từng có một lớp nhà văn lớn, và họ có một sự quan tâm sâu sắc đến văn học thiếu nhi.

Đặc biệt, những tác phẩm của họ vừa phục vụ cho thiếu nhi, lại vừa chở được hồn cốt văn hóa để làm cội rễ bám chặt vào lòng độc giả. “Tôi cảm giác, vùng đất này dư dả những câu chuyện, cảm hứng và nguồn tác giả để đóng góp nên một nền văn học thiếu nhi lớn mạnh”, Lê Quang Trạng bày tỏ.

Thiết nghĩ, rất cần một giải thưởng lớn về văn học thiếu nhi dành cho ĐBSCL, qua đó phát hiện những tài năng mới, tiếp tục tạo niềm hứng khởi sáng tác cho những cây bút đang sung sức, khai phá sự “dư dả” chất liệu sống đồng bằng với những tác phẩm văn học xứng tầm vùng đất phương Nam.

NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh