Kinh tế vượt qua "cơn gió ngược"

07:10, 12/10/2023

GDP quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05% và quý III tăng 5,33%, tính chung 9 tháng tăng 4,24%- sự tăng trưởng được đánh giá "không phải ngẫu nhiên".

GDP quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05% và quý III tăng 5,33%, tính chung 9 tháng tăng 4,24%- sự tăng trưởng được đánh giá “không phải ngẫu nhiên”.

Tại tọa đàm “Kinh tế Việt Nam- Vượt những cơn gió ngược”, do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, nhiều tổ chức quốc tế uy tín nhận định, “kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xám màu của kinh tế thế giới”.

Sau thành công được cho là “ngoài mong đợi” của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào đầu năm 2021, đất nước triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn chưa có tiền lệ do đại dịch COVID-19. Sau đó là diễn biến khó lường của tình hình thế giới, khu vực… tạo thành những “cơn gió ngược”. Tuy nhiên, sự ứng phó linh hoạt các khó khăn, thách thức, biến “nguy” thành “cơ” để đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển, nhất là trong năm 2023 này theo xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, sự tăng trưởng tốt nhờ cách chỉ đạo điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi; hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công; ổn định kinh tế vĩ mô và đạt kết quả rất tốt về đối ngoại.

Ngoài ra, theo đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, còn nhờ những nỗ lực rất lớn của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã đóng góp lớn để giảm bớt khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. Sự điều hành linh hoạt của Chính phủ trong thời gian khó khăn thể hiện ở chỗ không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính, thậm chí không ban hành các quy định nếu quy định đó tạo ra những khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp. Thủ tướng đã chỉ đạo rất mạnh mẽ về sự chuyển hướng điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt, phù hợp. Đây là những hành động rất quyết liệt, rất mạnh mẽ và quyết đoán của Chính phủ.

Từ nhận định của các chuyên gia và từ khảo sát, phân tích khoa học của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ông Shantanu Chakraborty- Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam, cho rằng, năm nay Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng kỳ vọng nếu thực sự cố gắng trên nền tảng sẵn có và không gặp phải những biến động bất thường từ kinh tế quốc tế và “là điểm sáng trong khu vực”.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu, theo các chuyên gia việc điều hành kinh tế vĩ mô phải tiếp tục thận trọng, linh hoạt, cải cách thể chế vẫn là nhiệm vụ cần thúc đẩy; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục phải cải thiện hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhiều hơn; cùng với đó là các giải pháp nền tảng, tác động tích cực an sinh xã hội và tăng cường nội lực cho nền kinh tế.

N. HOÀNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh