Đó là cụm từ không mới, nhưng để áp dụng cho du lịch từng địa phương ĐBSCL thì vẫn cứ loay hoay. Du lịch 4 xã cù lao của huyện Long Hồ là trường hợp như vậy. Lãnh đạo huyện chia sẻ, "tiềm năng có, lợi thế có nhưng phát triển thì "đụng hàng" nơi khác. Bên cạnh là cơ sở vật chất, dịch vụ, giao thông… vẫn chưa đáp ứng, nên…"khách đến rồi đi"".
Đó là cụm từ không mới, nhưng để áp dụng cho du lịch từng địa phương ĐBSCL thì vẫn cứ loay hoay. Du lịch 4 xã cù lao của huyện Long Hồ là trường hợp như vậy. Lãnh đạo huyện chia sẻ, “tiềm năng có, lợi thế có nhưng phát triển thì “đụng hàng” nơi khác. Bên cạnh là cơ sở vật chất, dịch vụ, giao thông… vẫn chưa đáp ứng, nên…“khách đến rồi đi”".
Mở rộng ra cả khu vực ĐBSCL, lâu nay “đặc sản” du lịch là nước nổi nhưng rồi cũng mất dần. Hay du lịch sinh thái, miệt vườn dựa vào thế mạnh sông nước, vườn cây. Tuy nhiên, việc nhiều tỉnh, thành trong vùng cùng tập trung vào một mô hình, na ná đã tạo ra sự trùng lặp về sản phẩm.
Bình diện chung, miền Tây sông nước có sản phẩm đặc thù, đa dạng và từng địa phương đã có những nỗ lực riêng để khai thác ngành du lịch không khói này. Nhưng, theo đánh giá sản phẩm du lịch vẫn nhàn nhạt, nên khó lòng níu chân du khách đến nhiều tỉnh, thành. Ví dụ như chỉ cần đi chợ nổi Cái Bè và các khu du lịch sinh thái ở Tiền Giang, Vĩnh Long là có thể nhìn thấy được cả đồng bằng.
Nhiều chuyên gia lĩnh vực này đã chỉ rõ, du lịch ĐBSCL chưa có “nhạc trưởng”, sự hợp tác liên kết phát triển vùng nói chung, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, xúc tiến du lịch ĐBSCL nói riêng thông qua một số dự án hỗ trợ còn hạn chế, chưa đi đến tận cùng. Từ đó, dù có xây dựng sản phẩm du lịch cũng chỉ dừng lại ở việc hình thành, chưa khai thác sau khi dự án kết thúc. Bên cạnh, việc đầu tư từ hạ tầng du lịch đến sản phẩm du lịch vẫn chưa đồng bộ; cách làm du lịch ở các địa phương vẫn còn mang tính tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp; khai thác thứ sẵn có mà thiếu đầu tư dài hạn…
Ngoài việc tập trung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, thì nhiệm vụ của nhiều địa phương là làm sao xây dựng được du lịch đặc thù. Và để làm được rất cần cái “bắt tay” liên kết mạnh mẽ trong việc khai thác chiều sâu tiềm năng, thế mạnh. Sản phẩm du lịch từ đó cũng càng đa dạng hơn và mỗi địa phương đều có những sản phẩm đặc thù, tạo nên chuỗi du lịch với sản phẩm “không đụng hàng”, mới kỳ vọng níu chân du khách trong thời gian tới.
N. HOÀNG