Nóng câu chuyện hàng trăm xe hải sản bị nghẽn lại ở cửa khẩu do Trung Quốc bất ngờ hạn chế nhập, đã có hàng tấn tôm hùm trở tay không kịp đã chết ngộp, thiệt hại doanh nghiệp nhiều tỷ đồng.
Nóng câu chuyện hàng trăm xe hải sản bị nghẽn lại ở cửa khẩu do Trung Quốc bất ngờ hạn chế nhập, đã có hàng tấn tôm hùm trở tay không kịp đã chết ngộp, thiệt hại doanh nghiệp nhiều tỷ đồng.
Đương nhiên, thiệt hại này sẽ dắt dây tới nông dân nuôi tôm hùm, những hợp đồng nợ tiền từ doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn đến cái gốc là người nuôi tôm hùm. Con tôm hùm cũng chỉ là một ví dụ điển hình cho toàn cảnh xuất nhập khẩu hàng nông sản qua đường tiểu ngạch, bởi đây không phải là lần đầu tiên và chắc cũng chẳng phải là lần… cuối cùng.
Những câu chuyện “bất ngờ” như thế này không còn là chuyện hiếm và nó sẽ còn diễn ra nữa trong tương lai, khi cung cách làm ăn từ sản xuất cho tới chuỗi cung ứng ra thị trường vẫn cứ như thế này. Khi ở cái “gốc” nông dân tiếp tục sản xuất theo lối chạy theo xu hướng lợi nhuận trước mắt, để ồ ạt đeo đuổi theo các loại cây, con nào đó đang sốt; còn ở phần “ngọn” thì các hợp đồng không có bảo đảm theo những hợp đồng có tính chất ràng buộc, lâu dài, mà thả nổi theo kiểu hàng chợ “sáng nắng, chiều mưa”.
Nông dân miền Tây cùng nhiều địa phương trong nước đang… sốt sình sịch với trái sầu riêng, mặc cho có nhiều cảnh báo từ các chuyên gia, ngành quản lý, nhưng bất chấp trong quá trình chuyển đổi phá vỡ các quy hoạch, diện tích sầu riêng tăng quá nhanh. Trong quá trình này, cũng đã thấy có hiện tượng… kẻ trồng, người đốn.
Tình trạng này đưa đến nguy cơ ảnh hưởng cho thương hiệu trái sầu riêng cả về chất lẫn về lượng trong tương lai không xa. Đến lúc nào đó, nguồn cung vượt cầu, hay những trường hợp “bất ngờ” kiểu con tôm hùm mấy ngày qua, sẽ thấy trái sầu riêng trở thành… nỗi sầu chung của ngành nông nghiệp nước nhà.
Cần những quy định, quản lý, kiểm soát sản lượng các loại nông sản, định vị thương hiệu và xác định những thị trường ổn định, cũng là giám sát rủi ro cho nông sản, cho nông dân và cả doanh nghiệp. Đừng để mỗi lần cũng là suy giảm đi một phần uy tín, thương hiệu nông sản Việt trên thị trường thế giới. Cần phát triển nhanh nhưng phải bền vững.
NGỌC TRẢNG