Giá xăng tăng mạnh trong vài ngày qua, đã góp phần làm cho đời sống người lao động vốn đã khó nay càng thêm khó.
Giá xăng tăng mạnh trong vài ngày qua, đã góp phần làm cho đời sống người lao động vốn đã khó nay càng thêm khó.
Sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động. Sự tấp nập buôn bán những buổi chợ chiều tại các khu công nghiệp trên địa bàn, nay dường như cũng đìu hiu hơn. Một chị bán rau trước KCN Hòa Phú phe phẩy nón lá đã bạc màu, nói: “Đa số các loại thực phẩm giờ tăng giá từ 10-15% (3.000-5.000 đ/kg) do chi phí vận chuyển tăng do xăng. Lương công nhân đã giảm vì công ty ít đơn hàng, nay lại càng phải dè xẻn, tằn tiện khi chi phí ăn uống tăng cao. Khách đến chợ mua sắm càng ít đi nên tụi tui cũng lo lắng khi sức mua giảm”.
Là tài xế xe công nghệ, thu nhập của anh Lâm phụ thuộc vào các cuốc xe trong ngày. Tuy nhiên, suốt 2 tháng, giá xăng “lên mà không xuống” khiến anh càng thêm lo lắng, bởi thu nhập càng giảm.
Hiện hầu hết các quầy hàng ăn sáng đều tăng giá. Món rẻ nhất là xôi, bánh mì cũng lên đến 20.000đ. Trong khi đồng lương công nhân chỉ khoảng 6-7 triệu đ/tháng, trong đó hơn phân nửa lo cho con đi học, còn lại để ăn uống, thuê nhà…
Tính từ đầu năm đến lần điều chỉnh gần nhất (21/9) giá xăng đã trải qua 27 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, có tác động ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sản xuất kinh doanh và mặt bằng giá cả hàng hóa. Giá xăng dầu tăng mạnh có thể tác động tới chỉ số giá tiêu dùng của nền kinh tế. Việc điều hành giá xăng dầu phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước- người dân và doanh nghiệp và đặc biệt đảm bảo sự ổn định của kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh những vấn đề theo quy luật, thực tế cũng cho thấy có cả tình trạng lợi dụng giá xăng, dầu biến động để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi. Các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả, kịp thời phát hiện mọi bất thường của thị trường, nhất là thiếu hàng, khan hiếm hàng, tăng giá hàng hóa, dịch vụ đột biến… để xử lý.
Ngoài ra, cần xem xét sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu nhằm phát huy đúng vai trò giúp bình ổn giá trên thị trường, kiềm chế giá khi có biến động tăng liên tục.
N. HOÀNG