"... Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba/ em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm/ qua bến bắc Cần Thơ"… Có lẽ không người dân miền Tây nào lại không nằm lòng những câu hát trữ tình, ngọt ngào trong bài hát "Chiếc áo bà ba" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
“... Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba/ em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm/ qua bến bắc Cần Thơ”… Có lẽ không người dân miền Tây nào lại không nằm lòng những câu hát trữ tình, ngọt ngào trong bài hát “Chiếc áo bà ba” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
Nghe tin tỉnh Hậu Giang sắp tổ chức “Festival Áo bà ba” vào cuối tháng 9 này, người dân ĐBSCL bỗng vui và háo hức vô cùng. Không ngờ lại có riêng hẳn một lễ hội để tôn vinh chiếc áo bà ba quê mình.
Ngược dòng lịch sử, trở về mảnh đất Nam Bộ thuở sơ khai, sẽ thấy rằng “bộ ba” áo bà ba, khăn rằn và nón lá đã kết hợp với nhau trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Nam Bộ. Áo bà ba là biểu tượng, kết tinh của quê hương xứ sở; là hồn Việt từ mấy trăm năm qua kể từ khi cha ông khai phá mảnh đất phương Nam. “Festival Áo bà ba chính là sự kiện văn hóa góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, phát triển một xã hội văn minh, thịnh vượng, tích hợp nét đẹp văn hóa truyền thống để thu hút du khách và nhà đầu tư trong, ngoài nước. Festival không chỉ là màn trình diễn thời trang áo bà ba thông thường mà là một lễ hội nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc Nam Bộ”- ông Đồng Văn Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Phát triển bền vững- tuần hoàn không chỉ chú trọng về kinh tế mà còn phải quan tâm đến văn hóa, sao cho phù hợp với bối cảnh hiện đại nhưng vẫn bảo tồn và phát huy được bản sắc truyền thống. Đó là mong ước và kỳ vọng đặt ra cho “Festival Áo bà ba”. Đó cũng là khẳng định của BCH Trung ương Đảng: Phát triển văn hóa phải song song với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; hay nói cách khác văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa phải được quan tâm đầu tư để phát triển bền vững, tạo nguồn lực để phát triển ngành dịch vụ- du lịch, nâng cao sự trân trọng của cộng đồng trong nước và quốc tế đối với di sản, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.
“Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm” mang dáng hình của mẹ, của chị, của người thương… mộc mạc, chân quê mà son sắt, vẹn tình! Vậy nên, đối với người phụ nữ Nam Bộ, hầu như ai cũng có cho mình chiếc áo bà ba làm “của để dành” chưng diện trong những dịp đặc biệt. Vì dù có bao nhiêu kiểu áo cách tân hiện đại, người phụ nữ vẫn thấy chiếc áo bà ba khoác lên mình là nền nã, duyên dáng nhất.
YÊN HƯƠNG