Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tiếp gặt hái những kết quả tích cực: Đạt mức xuất khẩu kỷ lục 7,1 triệu tấn gạo năm 2022; những tháng đầu năm 2023 tăng về lượng, về kim ngạch, giá xuất khẩu bình quân…
(VLO) Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tiếp gặt hái những kết quả tích cực: Đạt mức xuất khẩu kỷ lục 7,1 triệu tấn gạo năm 2022; những tháng đầu năm 2023 tăng về lượng, về kim ngạch, giá xuất khẩu bình quân…
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 19/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn của Thái Lan 10 USD/tấn, còn gạo 25% tấm của Việt Nam cao hơn 57 USD/tấn.
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu đang ở mức cao nhất thế giới. Dự báo, giá gạo xuất khẩu sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, theo nhận định của Bộ Công Thương, thị trường gạo trong nước nói chung và thị trường xuất khẩu gạo nước ta phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là những biến động từ bên ngoài.
Đó là lệnh cấm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ; về tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận mang tên sáng kiến ngũ cốc Biển Đen của Nga. Hai sự kiện này, cùng với tình trạng hạn hán đã tác động dây chuyền khiến nhiều nước tăng nhu cầu dự trữ gạo.
Trước tình trạng này, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, bộ đã chọn sự “cố định” khi đưa ra những chỉ đạo, điều hành về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.
Việc quan trọng nhất hiện nay là bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm để giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ vững đơn hàng, giữ vững thị trường xuất khẩu.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, vừa tận dụng cơ hội thị trường nhưng vẫn bảo đảm vấn đề an ninh lương thực mà Bộ Công Thương đang thực hiện là “đúng và trúng.
Bởi an ninh lương thực là vấn đề sống còn của nền kinh tế, không thể để người dân bị thiếu lương thực hay phụ thuộc vào nguồn lương thực nhập khẩu. Để có được an ninh lương thực thì điều đầu tiên chúng ta cần có tích trữ phù hợp.
Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất: Thời gian tới, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp-PTNT sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng của ngành.
Tổ chức hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, tập trung; gắn sản xuất với tín hiệu của thị trường; liên kết nông dân bằng mô hình HTX kiểu mới; các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một “chuỗi giá trị” với doanh nghiệp.
Bên cạnh những tín hiệu vui trong việc hạt gạo được giá thì trên thị trường bắt đầu có hiện tượng thu mua gom lúa gạo để đầu cơ, chờ giá trục lợi. Gạo là mặt hàng thiết yếu, nếu bị tăng giá đột ngột sẽ làm nhiều mặt hàng khác tăng theo.
Vì thế, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng theo dõi sát tình hình giá gạo.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh đầu mối, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Ngành cũng sẽ kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin