Lo ngại "té nước" theo giá điện

06:05, 11/05/2023

Thông tin giá điện tăng tối đa 3% từ ngày 4/5 đang nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự lo ngại.

 

Thông tin giá điện tăng tối đa 3% từ ngày 4/5 đang nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự lo ngại.

Với mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, tiền điện trả thêm của các hộ dân là không đáng kể nhưng rất có thể hàng hóa, sản phẩm thiết yếu sẽ tăng theo, đẩy chi tiêu hàng ngày vọt lên. Giữa thời buổi khó khăn do ảnh hưởng sau đại dịch như hiện nay thì đây là mối lo lớn với không ít người.

Cũng như xăng, điện là một trong giá đầu vào của hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Cho nên, khi giá điện tăng sẽ tác động đến cả lực cầu và lạm phát có thể tăng lên.

Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất đang rất khó khăn, giá nguyên liệu tăng, trong khi sức mua trên thị trường giảm sút vì thu nhập giảm. Giá điện tăng chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp, đặc biệt tác động đến rất nhiều hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ liên đới khác.

Còn nhớ, hồi tháng 7/2022 là thời kỳ giá xăng tăng liên tiếp và đắt kỷ lục, ngay lập tức giá cả loạt hàng hóa từ mớ rau, con cá... cũng tăng theo và thiết lập nên một mặt bằng giá mới. Đáng nói là khi giá xăng “hạ nhiệt” thì giá các loại hàng hóa gần như không giảm.

Theo đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá điện tăng sẽ giúp cho tập đoàn bớt khó khăn, đồng thời mức tăng được cho là bình thường và hợp lý, bởi dù đã tăng đến 1.920đ mỗi số thì EVN vẫn tiếp tục gánh lỗ do giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia vẫn có ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Tăng giá điện sẽ gây áp lực lên lạm phát (dự kiến khoảng 0,2%), đặc biệt là hàng triệu công nhân, lao động đang hết sức khó khăn về việc làm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trước thực trạng cắt giảm lao động của doanh nghiệp.

Hàng hóa “té nước” theo giá điện là khó tránh khỏi từ nhiều yếu tố trực tiếp hay gián tiếp, rất cần Nhà nước sớm có chính sách bình ổn, công khai minh bạch giá cả.

Riêng với ngành điện, đây là hàng hóa đặc biệt, với mức tăng phù hợp được cho là “chấp nhận được”. Song vấn đề đặt ra lâu dài không phải là tăng giá bán, nói cách khác là “để dân gánh lỗ cho EVN” mà cần tìm ra phương án để đảm bảo an ninh năng lượng, tìm nguồn nhiên liệu rẻ, sạch hơn từ đó giảm giá thành sản xuất mới là giải pháp lâu dài và bền vững!

N. HOÀNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh