Kỳ vọng vùng lúa chất lượng cao

08:03, 30/03/2023

Ngành sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL vẫn còn thiếu các vùng chuyên canh lúa quy mô lớn, thiếu sự liên kết hợp tác cũng như các biện pháp canh tác còn chưa bền vững...

 

Ngành sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL vẫn còn thiếu các vùng chuyên canh lúa quy mô lớn, thiếu sự liên kết hợp tác cũng như các biện pháp canh tác còn chưa bền vững...

Đó là những vấn đề được đưa ra bàn bạc, thảo luận tại hội thảo tham vấn các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp-PTNT và Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức mới đây.

Báo cáo tại hội thảo, Bộ Nông nghiệp-PTNT cho biết ngành lúa gạo Việt Nam không ngừng phát triển với nhiều giống mới chất lượng cao, hạ tầng được đầu tư đồng bộ hơn, chế biến cũng có những chuyển đổi tích cực. Sản lượng lúa ở mức 24-25 triệu tấn, đóng góp hơn 50% tổng lượng gạo và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước, góp phần quan trọng vào mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Song vẫn còn thiếu các vùng chuyên canh lúa sản xuất quy mô lớn, sự liên kết hợp tác cũng như các biện pháp canh tác còn chưa thật sự bền vững... Vì vậy, cần có phương thức sản xuất và chính sách mới để thay đổi.

Bộ Nông nghiệp-PTNT cho biết đã xây dựng “Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” nhằm hướng tới nhu cầu đa giá trị; áp dụng quy trình canh tác bền vững giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải...

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Trần Thanh Nam, 1 triệu hecta lúa không có nghĩa là quy hoạch cố định về mặt địa điểm, diện tích lúa được phân bổ cụ thể cho từng tỉnh. Nội hàm thực hiện gồm sử dụng giống lúa có chứng nhận, chất lượng, áp dụng quy trình canh tác bền vững; tổ chức sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp; tạo thu nhập cao cho người trồng lúa và giá trị gia tăng cho sản phẩm.

TS Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng đề án là “một sáng kiến tốt, đúng thời điểm”. Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Ngân hàng Thế giới hỗ trợ về sản xuất lúa chất lượng cao. TS Cao Thăng Bình cho biết, đã có những kế hoạch và chiến lược lâu dài, dự trù đầy đủ để hỗ trợ Việt Nam, mục tiêu hướng tới 3 trụ cột: nghiên cứu, phát triển và tính tác động với việc giới thiệu giống mới để giúp tăng nhiều giá trị hơn cho hạt gạo.

N. HOÀNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh