Thách thức chuyển đổi số

Cập nhật, 05:30, Thứ Năm, 23/03/2023 (GMT+7)

(VLO) Tại diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn, xanh hơn” do Báo Đầu Tư tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, chuyển đổi số là thời cơ cho Việt Nam đột phá trở thành một quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, để chuyển đổi số nhanh, thông minh và xanh hơn, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Đó là các vấn đề về quyết tâm chính trị, hành lang pháp lý, nguồn nhân lực và hạ tầng số.

Thông tin tại diễn đàn cho thấy, năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin, viễn thông (ICT) Việt Nam đạt khoảng 148 tỷ USD, tỷ trọng kinh tế số đạt 14,26% GDP.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP theo kịch bản phát triển nhanh, Việt Nam cần duy trì mức tăng trưởng kinh tế số bình quân hàng năm khoảng 20%, gấp hơn ba lần tăng trưởng GDP dự kiến.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, sau nhiều thập niên tăng trưởng nhanh, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, đòi hỏi phải tìm kiếm những mô hình, động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số được ví như chất xúc tác, là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng theo các mô hình xanh, bền vững.

Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, quan điểm “tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh”.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, Bộ KH-ĐT luôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào các quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Bên cạnh chủ trương về thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội cũng là định hướng xuyên suốt mà Việt Nam theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.

N. HOÀNG