Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định", để làm rõ hơn về ý nghĩa của việc chuyển hướng chiến lược theo nghị quyết này.
(VLO) Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức tọa đàm “Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định”, để làm rõ hơn về ý nghĩa của việc chuyển hướng chiến lược theo nghị quyết này.
Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Các chuyên gia đánh giá Nghị quyết 128 ra đời rất phù hợp với bối cảnh của đất nước, do đó đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và được hiện thực hóa trong cuộc sống, phát huy vai trò như “chìa khóa” góp phần quan trọng thực hiện thành công “đa mục tiêu”: Vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Ông John Rockhold - Chủ tịch AmCham Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI và AmCham.
Việc đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp và Chính phủ có vai trò quan trọng tạo nên những cơ hội để giải quyết các vấn đề, và kịp thời điều chỉnh chính sách hướng đến các ưu tiên chung của Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững”.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển.
Thứ trưởng Bộ KH - ĐT Trần Quốc Phương cho rằng: Rất nhiều tổ chức quốc tế, các chuyên gia cũng đã nhận định một cách khách quan, đánh giá cao về cách chỉ đạo điều hành của Chính phủ khi đối phó với dịch bệnh.
Thực sự rất nhiều chính sách, nghị quyết ban hành vừa qua đã cho thấy hiệu quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.
Ví dụ như Nghị quyết 124 về thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Ngay sau khi nghị quyết này được ban hành, kết quả giải ngân đã tăng lên nhiều so với trước đó.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Nghị quyết 128 ra đời là bước ngoặt mạnh mẽ và tác động kịp thời tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Ngay quý IV/2021, GDP cả nước đã đạt kết quả dương. Bước sang quý III/2022, cùng với Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành và một số giải pháp khác đã tác động rất tích cực tới cả nền kinh tế.
Với các giải pháp bổ sung như vậy, đến nay, chúng ta thấy rõ nét sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, hướng đến trạng thái phục hồi và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
YÊN HƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin