Được đánh giá là phương thức vận tải có nhiều ưu thế nổi trội, thế nhưng hiệu quả của vận tải đường thủy ở ĐBSCL đến nay chưa tương xứng với tiềm năng.
(VLO) Được đánh giá là phương thức vận tải có nhiều ưu thế nổi trội, thế nhưng hiệu quả của vận tải đường thủy ở ĐBSCL đến nay chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, mạng lưới đường thủy của ĐBSCL được hình thành bởi hai hệ thống sông chính là sông Tiền và sông Hậu. Tổng chiều dài các tuyến 14.826km; trong đó đường thủy nội địa quốc gia là 2.882km.
Mạng lưới tuyến đường thủy nội địa liên tỉnh và quốc tế, cho phép tàu từ 500- 5.000 tấn hoạt động. Tất cả dòng sông chính cùng các phụ lưu, hệ thống kênh rạch liên hoàn, tạo nên sự kết nối, giao lưu khá thuận lợi.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị thúc đẩy phát triển vận tải thủy, phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực ÐBSCL diễn ra mới đây, lãnh đạo nhiều địa phương chung nhận định, dù có lợi thế về đường thủy nhưng sự phát triển của ngành vận tải thủy khu vực chưa tương xứng với tiềm năng.
Nhiều con sông, kênh rạch lớn vẫn chỉ là dòng chảy không tải, ít lợi nhuận, chưa tương xứng với tài nguyên… trời ban!
Cụ thể, TP Cần Thơ hiện có 14 bến, cảng biển. Trong đó, cảng Trà Nóc tiếp nhận tàu 5.000 - 10.000 tấn. Tuy nhiên, do tàu có tải trọng lớn ra vào sông Hậu qua cửa Định An và qua kênh Quan Chánh Bố thường xuyên bị bồi lắng nên việc xuất nhập khẩu hàng hóa chủ yếu bằng giao thông đường bộ lên các cảng tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh.
Vĩnh Long với luồng hàng hải sông Tiền dài 74km, kết nối đường thủy kênh Chợ Gạo, tàu thuyền có thể từ các cảng biển Mỹ Tho, Đồng Tháp; luồng hàng hải sông Hậu dài 103km, tàu thuyền có thể đi đến các cảng biển Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và sang Campuchia.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp tham gia dịch vụ logistics, một số tuyến luồng bị cạn và hẹp nên chủ yếu làm đại lý hoặc đảm nhận một công đoạn trong dây chuyền logistics.
Để mạng lưới giao thông thủy trở thành một hệ thống liên hoàn, nhiều địa phương cho rằng cần phải được đầu tư đúng mức, đúng hướng.
Tăng cường mở rộng thêm các tuyến thủy nội địa, tập trung cải tạo, nâng cấp, bảo trì các luồng tàu biển chính trong khu vực; phát triển các cảng hàng hóa thương mại, ưu tiên các bến cảng gắn với các trung tâm sản xuất hàng hóa; tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng, phù hợp với quy hoạch.
N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin