Trên cơ sở kết quả tăng trưởng 9 tháng qua và một số điều kiện đặt ra, trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế.
Trên cơ sở kết quả tăng trưởng 9 tháng qua và một số điều kiện đặt ra, trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng 2 kịch bản cho tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 3% cả năm thì quý IV năm nay phải đạt mức tăng trưởng 7,06% trở lên; để tăng trưởng 3,5% cả năm thì quý IV phải đạt được 8,84% trở lên.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, với mức tăng trưởng quý đạt từ 7% trở lên thì trong quá khứ Việt Nam cũng đã từng đạt được kết quả này, tuy nhiên phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện chiến lược thích ứng an toàn với dịch bệnh. Để có thể đạt được mục tiêu này thì doanh nghiệp phải được hoạt động, nghĩa là không bị đóng băng, đóng cửa và lao động phải được dịch chuyển.
Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)- để tăng trưởng 8,84% quý IV là khó, nhất là trong bối cảnh mùa sản xuất cao điểm cuối năm đã đến. Không phải tất cả doanh nghiệp đều có thể đáp ứng đủ điều kiện để mở lại sản xuất, kinh doanh.
Nhận định về khả năng phục hồi kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, ở các nước phát triển, tốc độ tăng GDP giảm, thậm chí âm, nhưng thu nhập của người dân không giảm và thu nhập khả dụng tăng. Vì vậy, khi dịch kết thúc hay được kiểm soát thì cầu bùng nổ. Việt Nam hoàn toàn khác, không thể phục hồi nhanh và cao khi mà hàng triệu lao động mất việc làm, mất thu nhập và đã tiêu đi phần lớn, thậm chí tiêu hết tiền tiết kiệm.
Ngoài giữ chân người lao động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và phải có thêm nguồn lực, TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, bối cảnh hiện nay, chúng ta chưa lo vượt trần nợ công, do vậy cần tăng bội chi ngân sách để có nguồn lực hỗ trợ. Các giải pháp phục hồi kinh tế cần có trọng tâm, trọng điểm, cụ thể, khả thi và có thể thực hiện được ngay, thực hiện quyết liệt trong thời hạn 2- 3 năm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh vẫn cần được ưu tiên hàng đầu. Bởi chỉ khi phòng chống dịch bệnh hiệu quả thì mọi hoạt động mới trở lại bình thường, doanh nghiệp mới yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin