Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự và có những ý kiến chỉ đạo tâm huyết nhất là về công tác cán bộ.
(VLO) Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự và có những ý kiến chỉ đạo tâm huyết nhất là về công tác cán bộ.
Theo Tổng Bí thư, mỗi nhiệm kỳ của Chính phủ đều đã để lại những dấu ấn riêng và đều hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Hiện, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội XIII đề ra, Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý về xây dựng tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ. Đây là vấn đề cơ bản, rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến toàn bộ hoạt động của Chính phủ.
Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền các cấp cần đặc biệt quan tâm xây dựng tổ chức, bộ máy và cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ.
Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài; thật sự “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy chính phủ và chính quyền các cấp.
Đừng “nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ.
Tổng Bí thư chỉ đạo kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn.
Sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ những tổ chức và cá nhân dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Các đề xuất đổi mới đúng đắn, hợp lý phải được cấp ủy, chính quyền bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng, cho làm thí điểm theo thẩm quyền; cái gì đổi mới đúng thì phải được bảo vệ, tiếp tục triển khai; cái gì sai thì phải kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, sửa chữa, rút kinh nghiệm. “Phải trái phân minh”, “nghĩa tình trọn vẹn”; không được “dĩ hòa vi quý”.
Ngoài ra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.
Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”.
Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, vin cớ rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí dẫn đến làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó- nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tổng Bí thư nhắc lại: “Những ai có tư tưởng này thì hãy dẹp sang một bên cho người khác làm! Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!
AN NHIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin