Văn bản "trên trời"!

05:11, 01/11/2018

Hôm qua, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã bị các đại biểu "truy" về trách nhiệm của vị tư lệnh ngành trong "sự cố" dự thảo quy định đuổi học với sinh viên "hoạt động mại dâm lần thứ 4" vốn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Hôm qua, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã bị các đại biểu “truy” về trách nhiệm của vị tư lệnh ngành trong “sự cố” dự thảo quy định đuổi học với sinh viên “hoạt động mại dâm lần thứ 4” vốn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Các ý kiến đại biểu đều đồng quan điểm rằng quy định như trong dự thảo là không phù hợp. Trước hết, với hành vi “hoạt động mại dâm” mà đến lần thứ 4 vi phạm sinh viên mới bị đuổi học thì các lần vi phạm trước có các hình thức xử lý khác và mỗi lần kỷ luật như thế đều phải công khai.

Như vậy, việc này sẽ dẫn đến vấn đề vi phạm quyền con người vì pháp luật hiện hành không quy định người có hành vi mua bán dâm bị phát hiện sẽ bị công khai- nhất là trong môi trường trường học.

Đây không phải lần đầu tiên một dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD-ĐT nhận phản ứng trái chiều gay gắt của dư luận. Khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đổi tên học phí bằng “học giá” trong dự thảo Luật Giáo dục cũng gây xôn xao nghị trường Quốc hội và dư luận xã hội; giờ lại đến văn bản quy định sinh viên hoạt động mại dâm 4 lần thì bị đuổi học.

Còn nhớ, trước đây, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 24/2013 ngày 4/7/2013, về việc sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh. Cụ thể, đối tượng 3 sẽ được bổ sung thêm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945…

Theo quy định, người dự thi ĐH thuộc đối tượng 3 sẽ được cộng 2 điểm ưu tiên vào tổng điểm bài thi ĐH, CĐ. Ai cũng rõ, nếu bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đến nay thì tính ra còn mấy người và độ tuổi của các bà mẹ Việt Nam anh hùng có đi thi ĐH được nữa không?

Thật khó hiểu và thật không thực tế. Các cơ quan nhà nước cần xem lại có phải “lỗi đánh máy” không hay là quy định như vậy?

Trả lời báo chí bên hành lang, ông Phạm Tất Thắng- đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội- nhận định: Đây không phải lần đầu tiên một dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD-ĐT nhận phản ứng trái chiều gay gắt của dư luận. Cần xem lại quy trình, không để tiếp diễn tình trạng văn bản như vậy!

HOÀNG HÀ

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh