Ngăn đồng nước dồn về phố...

06:10, 13/10/2018

Buổi sáng trong thành phố miền sông nước, nhiều người đang dầm chân trong nước hoặc ngồi bó gối uống trà ngắm... nước ngập.

Buổi sáng trong thành phố miền sông nước, nhiều người đang dầm chân trong nước hoặc ngồi bó gối uống trà ngắm... nước ngập.

Thật ra, mùa nước nổi không hề là chuyện lạ với người miền Tây, thậm chí là rất quen, thân thiết. Chẳng ai “làm mặt lạ” với nước đâu, nhưng lạ cái là giờ đây, ở quê mùa nước nổi mà vẫn khô rang, bên anh gặt lúa, bên nàng trồng rau, còn chốn “phồn hoa” đô thị thì cứ sũng nước như chẳng thể vắt khô.

Nguyên nhân nói đến nhiều nhất: biến đổi khí hậu. Vậy là xong sao?

Dân gian nói một cách hình tượng mà đơn giản: nước đổ vào dĩa thì lan rộng còn đổ vô chén thì dâng cao.

Cũng vậy, mùa nước nổi trước đây lan rộng và ngấm sâu vào hàng triệu hecta thì nay đều bị ngăn đồng, cấm ruộng… biết làm sao, đành buồn bã trôi cuồn cuộn theo sông về phố- nơi mà không có đê bao, còn chưa đắp đập.

Nghe báo cáo: vụ này nước sông đầy nhưng trong đê bao vẫn đang gieo trồng, thu hoạch vầy vầy, lợi nhuận vậy vậy… rồi so sánh với nước làm vỡ đê chỗ nọ, sạt lở chỗ kia, hư hỏng đường sá... thật sự không biết mối lợi- hại nào lớn hơn. Cái gì cần bảo quản, giữ gìn và cái nào cần phát triển bền vững?

Rất tiếc, tôi không phải nhà khoa học, nên chỉ có cách là nghe ngóng xem sao. Và nghe đâu, các nhà khoa học nói mùa nước nổi là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho ĐBSCL.

Đưa nước vào đồng là cách tốt nhất để bồi bổ phù sa, rửa trôi mầm bệnh lại không biến con nước hiền lan tỏa thành dòng nước lũ dữ dằn.

Nhưng tôi cũng nghe nói, nếu thả nước vào đồng là bỏ mất lúa vụ ba, lo lấy gì thế vào cho những ngày dài đằng đẵng…

Lại nghe nói, túi chứa nước vùng Long Xuyên- Đồng Tháp Mười từ 10 tỷ khối, do đê bao ngăn chặn, nay chỉ đủ sức chứa phân nửa nước. Số còn lại, đương nhiên tràn về đô thị, nhất là vùng hạ lưu sông Tiền, sông Hậu.

Có lẽ hơn lúc nào hết, đồng bằng rất cần sự liên kết chặt chẽ, cần ngồi lại với nhau để tính toán một cách khoa học nhất xem nên sống chung với lũ như thế nào là thích hợp và có lợi nhất cho toàn vùng ở trước mắt và cả lâu dài.

Đấy cũng chính là thực hiện nghị quyết của Chính phủ về đồng bằng, với sự phát triển thuận thiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào thiên nhiên...

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh