Tổng cục Du lịch vừa phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức hội thảo "Nâng cao hiệu quả du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL".
Tổng cục Du lịch vừa phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL”.
Theo Tổng cục Du lịch, vùng ĐBSCL là 1 trong 7 vùng du lịch trọng điểm của nước; với những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với văn hóa, lịch sử, cộng đồng... đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo.
Trong đó, có các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với hệ sinh thái miệt vườn, sông nước, đã trở thành sản phẩm chủ đạo hấp dẫn du khách.
Hiện nay du lịch nông nghiệp được nhiều nước trên thế giới quan tâm vì đem lại lợi ích trên nhiều mặt, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, nhất là khu vực nông thôn.
Tại ĐBSCL, nơi sản xuất nông nghiệp lớn và cũng là nơi xuất khẩu nông- thủy sản chủ lực của cả nước.
Vì vậy, phát triển du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL là hướng đi cần thiết, qua đó tạo sinh kế và tăng thu nhập cho nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương.
An Giang là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai loại hình du lịch nông nghiệp một cách có đầu tư. Từ năm 2007, An Giang được Tổ chức Nông dân Hà Lan (Agriterra) hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp và đã khá thành công.
Qua đó, đã có 600 nông dân được đào tạo kỹ năng du lịch, gần 100 hộ dân được đầu tư cơ sở vật chất, giúp cho các hộ dân làm du lịch. Một số tỉnh khu vực cũng đã có xây dựng “phong trào” nông dân làm du lịch.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung sản phẩm du lịch có “độc”, lạ nhưng “chưa đã”.
Vì vậy, mức chi tiêu của du khách đến du lịch ở ĐBSCL cũng rất khiêm tốn, chỉ khoảng 22 USD/ngày, thấp nhất so với chi tiêu bình quân của khách du lịch Việt Nam. Nguyên nhân do sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, trùng lắp, đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp.
Phương châm “mỗi nông dân một hướng dẫn viên du lịch” khiến không ít “nhà vườn thành nhà hàng”, bản sắc độc đáo chân chất người nông dân Nam Bộ bị… “du lịch hóa”. Điều khá nhức nhối này cũng đang diễn ra tại một số địa bàn du lịch nổi tiếng vùng cao Tây nguyên, Tây Bắc…
Một điều đã nói đi nói lại nhiều lần: Tài nguyên nông nghiệp ở ĐBSCL rất phong phú, nhưng không nên phát triển ồ ạt mà phải chọn lọc và có đầu tư bài bản;
xác định các sản phẩm chủ đạo, đặc trưng có tính khác biệt, điểm nhấn của từng địa phương. Bởi thế, trong công cuộc khai phá tiềm năng du lịch nông nghiệp, rất cần một nhạc trưởng giỏi.
HOÀNG HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin