(VLO) Năm 2024, kinh tế huyện Mang Thít duy trì phát triển tích cực trên các lĩnh vực. Huyện đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương.
Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thi đua xây dựng NTM và đô thị văn minh với nhiều hình thức thiết thực, tạo phong trào hoạt động sôi nổi, phấn đấu đến cuối năm có thêm xã Bình Phước và Nhơn Phú hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Huyện Mang Thít phấn đấu đến cuối năm có thêm xã Bình Phước và Nhơn Phú hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. |
Phát triển kinh tế
Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ngày càng tăng, mở ra nhiều cơ hội cho nông dân trong tỉnh nói chung và huyện Mang Thít nói riêng. Mô hình trồng sầu riêng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp, nông thôn.
Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Mang Thít, toàn huyện có 6.549,5ha vườn cây ăn trái. Trong đó, diện tích trồng sầu riêng là 1.177ha, chủ yếu là giống sầu riêng Ri 6, tập trung nhiều ở các xã Chánh An, An Phước, Nhơn Phú, Mỹ Phước và TT Cái Nhum.
Nông dân trồng sầu riêng vụ nghịch năng suất 15-18 tấn/ha. Vụ thuận tỷ lệ ra hoa, đậu trái cao, năng suất 20-25 tấn, nhưng dễ bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến chất lượng, sức sinh trưởng của cây. Đồng thời, giá bán thấp hơn vụ nghịch 30-50%.
Huyện Mang Thít đã quy hoạch các vùng trồng sầu riêng và liên kết với nhau. Đồng thời, xây dựng mã số vùng trồng (MSVT), đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ, an toàn; tăng cường xúc tiến kêu gọi liên kết thị trường, đối tác.
Huyện duy trì 16 MSVT nội địa, trong đó 11 MSVT trên cây sầu riêng. Đồng thời, duy trì 2 MSVT xuất khẩu, gồm: HTX Sản xuất sầu riêng Chánh An, diện tích 44ha với 52 hộ tham gia; tổ hợp tác sầu riêng Chánh An 1, diện tích 50,9ha với 84 hộ tham gia.
Huyện đang hướng dẫn hoàn chỉnh thủ tục đề nghị cấp mới 2 MSVT nội địa (khoai mỡ, lúa) và 2 MSVT xuất khẩu (dừa). Đồng thời, hỗ trợ thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc và chứng nhận an toàn thực phẩm trên sản phẩm lúa và bưởi; và tạo mã QR cho 7 sản phẩm, gồm: kẹo chuối, kẹo đậu phộng, mai vàng, mít Thái, nhãn Edor, rổ trúc, rổ hột xoài. Đồng thời, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024 với 13 sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình.
Ước tính đến cuối năm 2024, tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của huyện gần 2.189,9 tỷ đồng, tăng 1,11% so năm 2023. Trong đó, giá trị sản xuất gốm 14,669 tỷ đồng, tăng 5,67%; giá trị sản xuất gạch 102,681 tỷ đồng, tăng 10,62%.
Theo đó, Xí nghiệp Sản xuất gạch Lợi Lộc (ấp Thủy Thuận, xã An Phước) đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch bằng công nghệ lò tuynel, hoạt động chính thức từ tháng 7/2024 với thị trường tiêu thụ ở các tỉnh ĐBSCL.
Quy mô sản xuất khoảng 90 triệu viên/năm. Nguyên liệu để sản xuất là đất sét pha trộn với than được nhập từ Bình Dương. Tuy nhiên, do sản phẩm mới đưa vào thị trường nên sức tiêu thụ còn thấp.
Ông Nguyễn Tấn Lộc- chủ xí nghiệp, kiến nghị các cấp, các ngành hỗ trợ tuyên truyền giúp cho người dân nhận thức về gạch tuynel đối với công trình xây dựng. Đồng thời, hỗ trợ làm điện áp máy, giúp hạn chế khói bụi và giảm sử dụng điện. Bên cạnh, ông cũng bày tỏ mong muốn sẽ phối hợp hỗ trợ gạch cho hộ nghèo xây cất nhà.
Quyết tâm về đích nông thôn mới
Năm 2024, giá trị sản xuất gạch của huyện Mang Thít 102,681 tỷ đồng, tăng 10,62%. |
Ông Nguyễn Văn Diên- Chủ tịch UBND huyện Mang Thít, cho biết, Huyện ủy thực hiện Nghị quyết năm 2024 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn; tác động của biến đổi khí hậu gây sạt lở nhiều đoạn đê bao, bờ sông làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Cùng với đó, kinh tế của huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, quy mô ngành công nghiệp còn nhỏ lẻ chưa đủ sức cạnh tranh, sự hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm như: giao thông, cụm, tuyến công nghiệp trên địa bàn còn chậm. Cũng trong năm qua, sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng so cùng kỳ nhưng không đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Trong xây dựng NTM, đến nay huyện Mang Thít đã xây dựng đạt 6/9 tiêu chí huyện NTM. Các xã Bình Phước và Nhơn Phú đã xây dựng đạt lần lượt 15 và 16/19 tiêu chí xã NTM. Theo Chủ tịch UBND huyện Mang Thít, ngay đầu năm, huyện triển khai kế hoạch xây dựng NTM và đô thị văn minh; kiện toàn tổ công tác chuyên trách hỗ trợ xã điểm thực hiện NTM, NTM nâng cao, ấp NTM kiểu mẫu và đô thị văn minh.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thi đua xây dựng NTM và đô thị văn minh với nhiều hình thức thiết thực, tạo phong trào hoạt động sôi nổi. Trong quá trình thực hiện luôn có sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình của người dân.
Cùng với đó, thực hiện Kết luận số 1812, ngày 27/9/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2024-2025, huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xây huyện NTM; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành phụ trách tiêu chí và thành viên BCĐ của huyện, định kỳ sơ kết đánh giá kết quả thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Diên bày tỏ quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2024, xã Bình Phước và Nhơn Phú hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM; 4 ấp đạt chuẩn ấp NTM kiểu mẫu; TT Cái Nhum cơ bản đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh. Năm 2025, huyện phấn đấu về đích huyện NTM.
Ông Nguyễn Minh Dũng- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, lưu ý huyện Mang Thít cần tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, đặc biệt là xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Trong xây dựng NTM, cần rà soát từng địa phương, từng tiêu chí. Đối với các tiêu chí đã đạt, thì hoàn thiện nâng cao. Đồng thời, quyết liệt hoàn thiện chương trình, có kế hoạch chặt chẽ chỉ đạo năm nay phải đạt theo lộ trình đề ra.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin