Như tin đã đưa, sáng 12/2 (mùng 3 Tết), cồn Thanh Long (ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) đã xảy ra 2 đoạn sạt lở đê bao có chiều dài 20m. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của kỳ triều cường đầu tháng Giêng âl dâng cao, áp lực dòng chảy mạnh.
Các tin liên quan |
Như tin đã đưa, sáng 12/2 (mùng 3 Tết), cồn Thanh Long (ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) đã xảy ra 2 đoạn sạt lở đê bao có chiều dài 20m. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của kỳ triều cường đầu tháng Giêng âl dâng cao, áp lực dòng chảy mạnh.
Sạt lở làm ngập vườn cây ăn trái và nhà dân vào sáng ngày 12/2. |
2 đoạn đê bao sạt lở cùng thời điểm khoảng 4 giờ sáng, ngay đỉnh điểm của triều cường. Nước tràn vào khu vực phía trong đê bao gây ngập cục bộ, làm ảnh hưởng 17ha vườn cây ăn trái và đời sống của 10 hộ dân tại đây. Đáng nói, nước ngập vườn có nhiễm mặn với nồng độ khoảng 2,10/00 sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, sinh trưởng của các loại cây ăn trái tại khu vực cồn.
Anh Nguyễn Chí Lập- ấp Phước Lý Nhì (xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Tôi có 1ha trồng bưởi, nước tràn vào vườn lại có nồng độ mặn cao, tôi lo sẽ ảnh hưởng cho vườn bưởi đang cho trái”.
Chị Nguyễn Thị Kim Yến- ấp Phước Lý Nhì (xã Quới Thiện) cũng cho hay: “Hiện vườn tôi khoảng 8-9 công, nước tràn vô vườn cây ăn trái bị ngập hết. Hi vọng đê bao đắp lại sớm, nếu không thì cây chanh chịu ngập không được lâu, rồi ổi, bưởi cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Ngay sau sạt lở xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cùng chính quyền địa phương đến hiện trường, khảo sát, thăm hỏi và hỗ trợ người dân thực hiện các giải pháp khắc phục tạm thời 2 điểm sạt lở để ổn định cuộc sống.
Ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: “Trước mắt sẽ đắp đất vào điểm sạt lở, ứng 30 cây cừ dừa đóng xuống trước để đảm bảo nước không tràn vào tiếp, sau đó sẽ có những giải pháp khác”.
Ông Bùi Tấn Đảm- Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm cho biết: “Huyện đã tiến hành khảo sát và có chỉ đạo phải sớm khắc phục làm sao cho đảm bảo khép kín, không để ảnh hưởng vườn cây ăn trái của bà con đang sinh sống ở đây”.
Ngoài các giải pháp khắc phục tạm thời các điểm sạt lở, về lâu dài người dân rất mong cơ quan chức năng sớm có những giải pháp căn cơ hơn trong việc gia cố toàn tuyến đê bao cồn Thanh Long, góp phần bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái và đời sống người dân ở đây.
Theo một số người dân sống tại cồn Thanh Long, cách đây 8 năm, vào đúng ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, cũng đã xảy ra sạt lở đoạn đê bao cồn Thanh Long, làm ảnh hưởng 25 hộ dân và gần 20ha vườn cây ăn trái bị suy kiệt.
Tin, ảnh: NGUYÊN KHANG